Năm 2010, Hà Nội là một trong những thành phố đầu tiên ban hành các quy định về việc bán, cho thuê, thuê mua, quản lý và sử dụng nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội và lần đầu tiên thành phố tổ chức bốc thăm mua nhà ở thu nhập thấp.
Những tín hiệu ban đầu này dường như đã phá bỏ các rào cản về phát triển nhà ở thu nhập thấp nhiều năm qua, để mở ra một xu hướng mới cho loại nhà mang tính phúc lợi cao này. Năm 2011 liệu có phải là năm mở đầu cho xu hướng đó?

Tám doanh nghiệp bắt tay vào 11 dự án

Khu nhà ở xã hội tại đường Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) do Công ty CP Bê tông xây dựng Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư đang được hoàn thiện.Ảnh: Bá Hoạt


Ngoài dự án tại khu dân cư Ngô Thì Nhậm (CT1), quận Hà Đông do Công ty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư đã hoàn thành bốc thăm bán cho 328 hộ, 10 dự án khác hoặc đã khởi công hoặc đang chuẩn bị đầu tư với mục tiêu hoàn thành trong một hai năm tới.

Trong đó, có 5 dự án đã khởi công. Dự án nhà ở thu nhập thấp tại lô N011A và N012-2 tại khu đô thị Sài Đồng, Long Biên do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 thực hiện với quy mô 16 tầng có 420 căn hộ, dự kiến hoàn thành vào quý III năm 2012. Hiện nay dự án đã thi công xong phần cọc khoan nhồi, dự kiến quý I năm nay sẽ xong phần tầng hầm. Dự án nhà ở thu nhập thấp tại N010A và N0120-3 tại khu đô thị Sài Đồng, Long Biên do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 3 thực hiện xây dựng tòa nhà 16 tầng với 448 căn hộ, dự kiến hoàn thành quý III năm 2012. Hiện nay, công trình đã được thi công xong phần cọc khoan nhồi, dự kiến tháng 2 tới sẽ xong phần tầng hầm. Dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu tái định cư Kiến Hưng, Hà Đông do Liên danh Vinaconex Xuân Mai và Công ty CP Xây dựng số 21 Vinaconex thực hiện. Quy mô của dự án là 5 tòa nhà cao 19 tầng với 1.512 căn hộ. Dự án có tổng đầu tư 949 tỷ đồng đã được khởi công từ quý III năm 2010, dự kiến hoàn thành quý II năm 2012. Hiện nay công trình đang được đẩy nhanh tiến độ. Chủ đầu tư dự kiến sẽ nhận hồ sơ đăng ký mua nhà trong quý I năm nay. Dự án nhà thu nhập thấp tại Đặng Xá, Gia Lâm đã được Tổng Công ty Viglacera khởi công từ quý III năm 2010 với quy mô 10 tòa nhà có 946 căn hộ, dự kiến hoàn thành quý II năm 2012. Dự án nhà ở thu nhập thấp tại Đại Mỗ, Từ Liêm do Viglacera thực hiện với 124 căn hộ, đã được khởi công từ năm 2010, dự kiến hoàn thành quý I năm 2012.

Hai dự án khác đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục là Dự án nhà ở thu nhập thấp tại Bắc An Khánh, Hoài Đức (Liên danh Vinaconex - Hadico thực hiện với quy mô từ 2 đến trên 3 vạn dân), dự án nhà ở thu nhập thấp cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên cơ quan Tổng cục Chính trị. 3 dự án tiếp theo đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư gồm dự án tại Thanh Lâm - Đại Thịnh II (Mê Linh, do Tập đoàn phát triển nhà và đô thị thực hiện, quy mô 1.750 căn hộ), dự án tại khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm (Từ Liêm, do Công ty CP Đầu tư và thương mại Thủ đô thực hiện) và dự án tại 10 ô đất khu đô thị mới Sài Đồng, Long Biên (dự định giao Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư).

Quy mô các dự án, sức ảnh hưởng của 11 dự án rất ấn tượng với tổng cộng khoảng 16.500 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 50.000 người. Nhưng điều đáng nói là với 8 doanh nghiệp, tổng công ty đã đăng ký và bắt tay vào thực hiện, "sự kiện" 11 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp nói trên đã gián tiếp khẳng định cách nhìn mới của các nhà đầu tư về thị trường nhà ở mang tính phúc lợi cao. Thay vì thờ ơ, các doanh nghiệp đã bắt đầu hướng sự chú ý vào phân khúc nhà ở vốn bị đánh giá là lợi nhuận thấp, lâu thu hồi vốn này.

Định hình trên thị trường bất động sản

Có thể nói, với 11 dự án với quy mô ấn tượng như vậy, phân khúc nhà ở thu nhập thấp ở Hà Nội đã bước đầu được định hình, thậm chí đã xác lập một "vai vế" nhất định trên thị trường bất động sản nói chung. Tuy nhiên, để phân khúc này từ chỗ định hình đến phát triển xứng tầm lại là một khoảng cách không đơn giản.

Hàng loạt khó khăn vẫn cần được tháo gỡ để phân khúc nhà ở này được "giải phóng". Doanh nghiệp vốn đã thiếu nhiệt tình với phân khúc này sẽ càng thờ ơ hơn nếu các chính sách ưu đãi không được thực hiện tốt, cụ thể là thủ tục hành chính nhanh gọn và thụ hưởng ưu đãi dễ dàng. Hiện nay, thủ tục hành chính vẫn là rào cản đáng kể, trong khi để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi từ việc đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp tiếp tục gặp khó khăn. Lãnh đạo thành phố đã nhấn mạnh hai khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp là thẩm định giá bán nhà và tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp. Việc thẩm định giá bán nhà chậm vì quy trình còn phức tạp ảnh hưởng đáng kể đến khả năng và thời gian huy động vốn của doanh nghiệp. Trong số 11 dự án mới chỉ có 1 dự án được vay vốn là minh chứng cho tình trạng này.

Trong cuộc làm việc với các sở, ban, ngành và doanh nghiệp mới đây nhằm thúc đẩy các dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình đã chỉ đạo các cơ quan thành phố hỗ trợ doanh nghiệp trong việc làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, khẩn trương đưa dự án vào khởi công. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp và đề xuất UBND TP về phương án hỗ trợ. Đây là động thái rất tích cực của chính quyền thành phố nhằm thúc đẩy phân khúc nhà ở thu nhập thấp phát triển. Với 11 dự án, có số lượng căn hộ lên tới 16.500, chúng ta có thể sẽ không phải chứng kiến cảnh chen lấn bốc thăm như dự án đầu tiên mà Vinaconex Xuân Mai thực hiện, nhưng để thị trường nhà ở thu nhập thấp phát triển lành mạnh, rất cần những bàn tay quản lý nhà nước cứng rắn.

Dù vậy, quan trọng nhất vẫn là việc duy trì thế phát triển nhà ở thu nhập thấp mà "cái đà" đã được khởi động nhờ 11 dự án nói trên. Chỉ có ngày càng nhiều "sản phẩm" nhà ở thu nhập thấp được "sản xuất" ra, thị trường mặt hàng này mới có tính cạnh tranh, nhờ thế mới phát triển lành mạnh được. Theo ước tính của Bộ Xây dựng, Hà Nội có hàng chục vạn người thu nhập thấp đang bức xúc về nhà ở, nên chỉ có phát triển phân khúc thị trường này, thành phố mới khỏa lấp được những nhu cầu thực tế về nhà ở vốn đang ngày càng nóng bỏng này.
Cafeland.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland