Cầm hơi
Chung cư Good House tọa lạc trên đường Trương Đình Hội, quận 8, TPHCM, theo quy hoạch được duyệt có tổng số 252 căn hộ, diện tích từ 71 - 100m², cao 15 tầng, hiện nay đã xong phần thô. Sáng 18-2-2012, chúng tôi có mặt tại dự án. Trên đỉnh chung cư chỉ có một cần cẩu đứng yên, lưới an toàn xây dựng bao bọc quanh tòa nhà nhưng hầu như không thấy bóng dáng công nhân mặc dù nhân viên bảo vệ cho biết việc xây dựng diễn ra bình thường. Có lẽ sự yên lặng của công trường là phù hợp với việc khách hàng của dự án đang sốt ruột vì chậm tiến độ!
Chị H. mua một căn hộ trong chung
cư này cho biết, theo tiến độ thì tháng 8-2010 nộp tiền, tháng 6-2011 sẽ
được giao nhà. Nhưng sau đó chủ đầu tư hẹn đến tháng 2-2012 và mới đây
nhất là quý 1-2013 mới giao nhà. Sự chậm trễ khiến chị lo lắng về năng
lực của chủ đầu tư, không biết đến khi nào mới giao nhà.
Thị trường bất động sản gặp khó, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Ảnh: CAO THĂNG
Sự thật chủ đầu tư không giấu về
năng lực của mình, giám đốc công ty đã gửi thư đến khách hàng cho biết:
“Do tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng bị hạn chế nên nguồn để thi công
dự án hiện nay chính là nguồn vốn huy động từ khách hàng. Do đó, việc
chậm thanh toán của khách hàng đã làm thiếu hụt nguồn vốn, ảnh hưởng đến
tiến độ thi công hoàn thiện, dẫn đến kéo dài thời gian bàn giao căn
hộ”.
Chủ đầu tư đưa ra giải pháp: “Chúng tôi quyết định bàn giao căn hộ phần thô, phần hoàn thiện bên trong căn hộ sẽ do quý khách tự thu xếp tài chính để thực hiện trong vòng 1 năm kể từ ngày nhận bàn giao… Trong phần hợp đồng mua bán căn hộ đã ký kết với khách hàng, giá trị căn hộ được tách ra phần thô và chi phí hoàn thiện, chúng tôi sẽ giảm trừ khoản chi phí hoàn thiện trong hợp đồng bằng cách ký kết phụ lục hợp đồng mới”! Đến lúc này lo lắng của chị H. là thật. Chị cho biết sắp tới sẽ làm việc cụ thể với chủ đầu tư về thời gian giao nhà cũng như phải hoàn thiện rồi mới giao nhà!
Sự
việc “tệ” hơn xảy ra tại dự án chung cư Vạn Hưng Phát, đường Tạ Quang
Bửu, quận 8. Tháng 11-2010, bà P. ký hợp đồng mua căn hộ, theo kế hoạch
tháng 3-2013 sẽ nhận nhà. Thấy vị trí dự án khá đẹp, cây cầu nối với
trung tâm quận 8 đã hoàn tất, chỉ đi qua cầu Nguyễn Tri Phương là tới
trung tâm quận 5, nên không ngần ngại vị khách này đã nộp 40% giá trị
căn hộ, tương đương 700 triệu đồng. Nhưng 15 tháng trôi qua, chỉ thấy dự
án loanh quanh móng và tầng hầm, ngay cả sau Tết Nguyên đán mặc dù chủ
đầu tư cắm cờ xanh đỏ khắp tường bao quanh công trường nhưng vẫn chưa
thấy tín hiệu thi công khẩn trương!
Câu chuyện thị trường địa ốc
rơi vào cảnh đình đốn cho đến nay không còn là hiện tượng lạ. Cách nay
chưa lâu, dự án chung cư trên khu đất 12.400m² tại phường Phú Mỹ, quận 7
TPHCM được các cơ quan chức năng chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư
bất động sản Việt Nam xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ và chung
cư, tuy nhiên không thể triển khai được. Mới đây, UBND quận 7 đồng ý
chuyển “tạm” dự án này thành trung tâm thương mại - dịch vụ kết hợp với
chợ truyền thống theo nguyện vọng của chủ đầu tư, đến 15-12-2012. Công
ty Lilama SHB 584 ngưng hàng loạt dự án tại quận 9, Tân Phú, Gò Vấp vì
không thể vượt qua khó khăn trước mắt: đang vay vốn giữa chừng thì bị
cắt, lãi suất cho vay lên đến 23% - 24% nhưng cũng không thể vay được!
Xây xong khó bán
Khốn khó không chừa một ai, kể cả
doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại TPHCM. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là
một thương hiệu lớn, vậy mà 116 căn hộ khu căn hộ Cảnh Viên 3, mặc dù đã
xây xong nhưng bán ế ẩm. Dự án chung cư Kenton, nằm ngay vị trí đắc địa
tại huyện Nhà Bè, mặc dù chủ đầu tư xây dựng liên tục 6 lốc nhưng số
lượng bán được gần như không đáng kể. Hiện nay các lốc chủ yếu xong phần
thô, còn hoàn thiện triển khai cầm chừng.
Ông Vũ Anh Tâm, Tổng Giám đốc Công
ty Tài Nguyên, chủ đầu tư dự án, than: “Khó quá, không thể xoay xở
được”. Chính vì thế, ông quyết định phần còn lại của dự án, dọc theo ven
sông sẽ chuyển sang làm khách sạn 5 sao, vì khu Nam hiện nay chưa có dự
án kiểu này.
TPHCM hiện còn tồn trên 10.000 căn hộ khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao. Ảnh: CAO THĂNG
Hiện nay chưa có con số thống kê
cụ thể nhưng hầu như tất cả các dự án xây xong đều còn tồn căn hộ chưa
bán hết. Dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường vào năm ngoái, thị
trường bất động sản còn “tồn kho” hơn 10.000 căn hộ. Trong khi đó, theo
dự báo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Knight Frank Việt
Nam, quý 4 thường là thời điểm sôi động trong năm nhưng quý 4-2011 thị
trường căn hộ giao dịch thấp, giá căn hộ tiếp tục giảm nhưng có khá ít
giao dịch thành công. Còn báo cáo mới đây của UBND TPHCM cũng khẳng định
giao dịch thành công giảm dần, chỉ những căn hộ có diện tích nhỏ từ 60 -
90m² và có mức bán bình quân 16 triệu đồng/m² mới được người mua lựa
chọn.
Sự thật trong năm qua chỉ có mỗi dự án An Tiến bán chạy khi nhà đầu tư thứ cấp quyết định hạ giá 20%. Như vậy với sức mua quá yếu, chắc chắn hiện nay gánh nặng căn hộ đang oằn lưng chủ đầu tư - căn hộ cũ tồn đọng cộng với căn hộ mới xây xong chưa thể bán được! Đặc biệt khá nhiều căn penthouse - một thời mệnh danh biệt thự trên cao - tại các chung cư cao cấp cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm, rao bán miệt mài nhưng không có người mua!
Thị trường địa ốc đang
bị bủa vây bởi nợ nần: không đủ tiền để thực hiện dự án, triển khai
xong dự án nhưng không bán được, không thu hồi được vốn trả nợ!