Sự biến động của thị trường bất động sản trong hai quý vừa qua là do tác động của việc thắt chặt tín dụng, điều này khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Các chuyên gia dự báo rằng, từ nay tới cuối năm, thị trường này sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Khó khăn còn kéo dài


Cuối tháng 2/2011, trong nỗ lực đương đầu với lạm phát và thâm hụt cán cân thương mại, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, Nghị quyết 11 ra đời cùng với những chính sách siết chặt tín dụng, hạn chế cho vay đối với bất động sản đã đặt các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản trước những thách thức mang tính sống còn vì khả năng tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế.


Do khó khăn trong vay vốn, nhiều doanh nghiệp trì trệ tiến độ dự án, vi phạm hợp đồng với khách hàng, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải "bán tháo bán đổ" vẫn không có đủ vốn để triển khai tiếp. Trước áp lực nguồn vốn eo hẹp, các doanh nghiệp - chủ đầu tư đua nhau khuyến mại, giảm giá hoặc hỗ trợ chi phí, thủ tục vay ngân hàng. Tuy nhiên, tình hình không mấy được cải thiện.


Theo báo cáo mới nhất về thị trường căn hộ tại Tp.HCM của CBRE cho biết, mức giá chào bán trong quý II tiếp tục giảm. Trung bình, giá căn hộ trong tất cả các phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân giảm khoảng 1%. Giá căn hộ thuộc phân khúc hạng sang và cao cấp giảm nhiều nhất so với quý I. Lượng căn hộ chào bán trong quý II giảm 12,5% so với quý trước, với tổng số khoảng 4.900 căn được chào bán.


Đơn vị này dự án rằng, trong 6 tháng cuối năm giá bán trên thị trường nhà ở thứ cấp sẽ tiếp tục giảm. Vì hệ quả của tình hình tài chính khó khăn, niềm tin của người mua nhà ở mức khá thấp nên các giao dịch thực tế cũng sụt giảm. Thống kê của CBRE còn cho biết, năm 2012 - 2013, thị trường căn hộ Tp.HCM sẽ có thêm khoảng 400 căn hộ hạng sang và 66% căn hộ tương lai sẽ rơi vào phân khúc trung cấp.


Trong giới chuyên gia địa ốc còn khuyến cáo rằng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ tác động xấu không chỉ đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư bất động sản, mà còn tới các ngành sản xuất liên quan, kể cả ngành tài chính, ngân hàng.


Bên cạnh việc khó khăn nguồn vốn khiến doanh nghiệp bất động sản phải “chạy sấp, chạy ngửa”, thì việc ách tắc trong khâu đóng tiền sử dụng đất đã gây khó khăn cho cả nguồn cung và lực cầu trên thị trường.


Theo Nghị định 69 quy định tiền sử dụng đất sát với giá thị trường đã khiến tổng vốn đầu tư dự án có khả năng bị đội lên gấp đôi. Thêm vào đó là việc chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi thi hành Nghị định đã khiến cho nhiều dự án chưa đóng tiền sử dụng đất bị ách tắc.


Thị trường nhà đất: Khó khăn còn kéo dài


Theo các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm thị trường bất động sản sẽ còn nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Nguyệt


Giải cứu thị trường bất động sản


Bất động sản được xem là trục xương sống chính của một nền kinh tế, nếu thị trường này nguy khó sẽ kéo theo nhiều tác động rất lớn cho nhiều ngành nghề khác. Vì thế với tình hình thị trường khó khăn cả về sức mua, tiến độ thi công dự án như hiện nay cần có sự hỗ trợ cần thiết từ phía Nhà nước.


Trong công văn gửi Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng đã kiến nghị không tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng cần phải điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản.


Cụ thể, giảm tỷ trọng một số khoản mục như: Vay xây dựng khu đô thị, vay xây dựng văn phòng, cao ốc cho thuê, vay xây dựng để chuyển nhượng trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng, vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán, vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng, khởi công dự án mới.


Đối với một số khoản mục cần phải tăng tỷ trọng cho vay, như: Vay xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà, xưởng) phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà để ở.


Một số khoản mục có thể giữ nguyên tỷ trọng, như: Vay xây dựng - kinh doanh trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng, vay xây dựng, sửa chữa nhà để ở hoặc đối với các dự án dở dang cần vốn để tiếp tục hoàn thành sản phẩm, bán và thu hồi vốn đầu tư.


Như vậy, sẽ chuyển dư nợ tín dụng từ những người kinh doanh sang người có nhu cầu thực. Với cách làm này, thị trường sẽ không quá nóng, nhưng cũng không bị đóng băng, đồng thời có thể tạo công ăn việc làm cho người lao động.


Theo CafeLand, thị trường bất động sản trong 6 tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn nhưng đây là cơ hội cho người mua nhà có nhu cầu thực sự.

Thu Thảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland