Lãi suất ngân hàng chưa thể giảm ngay, sức mua thị trường yếu là lý do khiến nhiều doanh nghiệp thận trọng hơn với kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong năm nay.

Là doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận thuộc top đầu của ngành xi măng trong năm 2011, nhưng năm 2012, Công ty Xi măng Hoàng Thạch chỉ dám đặt mục tiêu lợi nhuận 415 tỷ đồng (lợi nhuận năm 2011 là 425 tỷ đồng) và các chỉ tiêu sản xuất cũng chỉ tương tự năm 2011.

Theo ông Đào Ngọc Bình, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Hoàng Thạch, khi các dự án đầu tư công, nhiều công trình lớn chưa được khởi động lại bởi thiếu vốn, thì sẽ khó kỳ vọng tiêu thụ xi măng tăng trưởng khả quan trong năm nay. “Giải pháp an toàn hơn cả trong bối cảnh đầu ra bị thu hẹp là doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh linh hoạt, phù hợp với thực tế”, vị giám đốc này nói.

Không chỉ đưa ra các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ khá khiêm tốn, mà lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo các bộ phận thực hiện sát sao các biện pháp nhằm giảm chi phí trong mọi khâu sản xuất. Xi măng Hoàng Thạch tiếp tục khoán chỉ tiêu tiêu hao điện năng, tiêu thụ xăng dầu và than ở các ở các xưởng sản xuất.

Doanh nghiệp này cũng đôn đốc triệt để việc giám sát chất lượng từ khâu nguyên liệu, bán thành phẩm đến thành phẩm, quy hoạch và tổ chức khai thác đá vôi phù hợp để đảm bảo chất lượng và tiết kiệm chi phí.

Kết thúc năm 2011 với doanh thu 36 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2,65 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đông Bình (Bắc Ninh) đặt mục tiêu doanh thu 45 tỷ đồng trong năm nay, với lợi nhuận chỉ tăng 900 triệu đồng so với năm ngoái.

Mặc dù doanh nghiệp sớm ký được hợp đồng xuất khẩu cho năm 2012, nhưng bà Trần Thị Nhàn, Giám đốc điều hành Công ty vẫn khá thận trọng khi cho rằng, sức mua thị trường Mỹ, châu Âu trong năm nay sẽ khó hơn năm 2011, nên doanh nghiệp chủ trương vừa làm, vừa cập nhật thông tin thị trường để có những điều chỉnh kịp thời. Không những vậy, Công ty còn phải chủ động cắt giảm các kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất để hạn chế rủi ro.

Giải pháp mà Công ty cổ phần Đông Bình sử dụng để đối phó với tình hình khó khăn hiện nay là chú trọng cải thiện năng suất lao động, áp dụng triệt để công nghệ lean (công nghệ sản xuất tinh gọn) để giảm chi phí.

Về phần mình, Công ty May An Phước chủ trương phát triển mạnh hàng trung cấp cho thị trường nội địa – nhóm sản phẩm hiện chiếm 60% sản lượng bán hàng của Công ty. “Trong bối cảnh khó khăn, sản phẩm phải có giá cả phù hợp hơn với người dân”, bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty giải thích và cho biết, mỗi quý, Công ty sẽ đánh giá cụ thể diễn biến thị trường để có những điều chỉnh chính sách kịp thời.

Rõ ràng, khi thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố không thuận, mỗi doanh nghiệp phải tìm kiếm giải pháp thích hợp để trụ vững và phát triển.

Theo Hải Yến (Báo đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.