Thị trường bất động sản diễn biến khó lường (hình minh họa)
Thị trường khó đoán
Kể từ khi ngân hàng siết chặt tín dụng, thị trường bất động sản rơi vào giai đoạn trầm lắng. Thanh khoản xuống thấp ở mọi phân khúc, đặc biệt đối với dòng sản phẩm đất nền.
Theo báo cáo của DKRA, trong tháng 8/2022, tỷ lệ tiêu thụ chung của phân khúc đất nền ở khu vực TP.HCM và lân cận chỉ đạt 34% trên tổng nguồn cung mở bán ra. Con số này giảm 15% so với tháng 7, giảm 21% so với tháng 6 và thấp hơn 41% so với tháng 5.
Thanh khoản giảm gây áp lực lên các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, buộc phải hạ giá sản phẩm để nhanh chóng thoát hàng.
Dù trên lý thuyết là như vậy, song theo nhiều nhà đầu tư, thực tế diễn biến của thị trường khá khó đoán. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng sẽ có hiện tượng cắt lỗ rồi xác định tâm lý chờ bắt đáy.
Tuy nhiên, việc cắt lỗ chỉ xảy ra cục bộ, và giá “cắt lỗ” cũng chưa chắc là hời khi nhà đầu tư đã mua vào sản phẩm khi giá bán quá cao. Ngoài ra, không phải ai cũng đủ kinh nghiệm để chọn đúng thời điểm để “bắt đáy”.
“Hiện nay đã có hiện tượng “cắt lỗ”, nhưng chưa nhiều, mức giảm cũng thấp, chỉ khoảng 10-15% trong khi giá mua trước đó được đôn lên rất cao, chất lượng hàng cũng không tốt”, chị Minh Anh, một nhà đầu tư nhận định.
Một nhà đầu tư khác tên Thanh Tâm (TP.HCM) cũng cùng quan điểm, cho rằng phương án đón sóng không thực sự khả dĩ vì việc xác định thời điểm thị trường “chạm đáy” là không dễ dàng. Tâm lý nhà đầu tư liên tục thay đổi trước các chính sách nới room tín dụng của ngân hàng.
Dù bất động sản không phải là lĩnh vực được ưu tiên bơm tiền nhưng các nhà đầu tư cá nhân vẫn kỳ vọng về những tác động gián tiếp của chính sách nới room tín dụng sẽ kích thích thị trường phục hồi.
“Với các nhà đầu tư tay ngang thì bất động sản chỉ là phương án đầu tư thứ 2, thứ 3. Dòng tiền chính của họ vẫn đến từ công việc kinh doanh/sản xuất. Nếu họ có thể lấy mục đích kinh doanh ra để tiếp cận tín dụng thì hoàn toàn có thêm vốn để gồng lỗ nuôi đất”, chị Tâm lấy ví dụ.
Lãi suất tăng, có nên gửi ngân hàng?
Mặc dù vẫn coi bất động sản là kênh đầu tư tích luỹ tài sản hàng đầu, nhưng trong lúc thị trường đang có nhiều bất động như hiện nay, nhiều nhà đầu tư có kế hoạch “hoãn binh” đổ tiền vào nhà đất. Thay vào đó, họ chọn gửi tiền vào ngân hàng rồi quan sát diễn biến thị trường và chờ cơ hội khi tìm được sản phẩm phù hợp.
Nhiều nhà đầu tư lựa chọn trữ tiền trong ngân hàng (hình minh họa)
Đặc biệt, các động thái mới của Ngân hàng Nhà nước về việc tăng lãi suất huy động lại khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc phương án tích trữ tiền.
Theo đó, từ 23/9, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng đã tăng 0,3%/năm lên 0,5%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1%/năm lên 5%/năm.
Trên thị trường hiện nay, đối với các khoản tiền gửi của khách hàng thông thường, lãi suất huy động cao nhất là 7,55%/năm tại SCB và CBBank. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác có lãi suất từ 7% trở lên như NamABank, VietCapitalBank, VietABank, VietBank, Sacombank, ABBank,… Trong khi đó, tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, lãi suất huy động vẫn ở mức khiêm tốn, dưới 6%/năm.
Giới chuyên gia nhận định việc nâng lãi suất là phương án thu hút người dân gửi tiền nhiều hơn vào hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng vẫn chưa tích cực và công tác kiểm soát lạm phát gặp nhiều khó khăn.
Nhóm phân tích của chứng khoán VNDirect cho biết, sau động thái của NHNN, dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng lên từ giờ đến cuối năm 2022 và đà tăng sẽ được duy trì từ giờ sang năm 2023.
Xác định giữ tiền trong thời gian dài, chị Minh Anh cho rằng gửi ngân hàng ở thời điểm hiện tại sẽ có lợi cho việc đầu tư vào bất động sản.
Nhà đầu tư này phân tích, việc lãi suất huy động, lãi suất điều hành tăng thì khả năng lãi suất vay cũng sẽ tăng theo. Chưa kể việc ngân hàng cũng sẽ siết chặt được việc vay vốn. Thời điểm này muốn tăng cơ hội tiếp cận khoản vay thì nên xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với ngân hàng.
-
Fed tăng mạnh lãi suất: Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?
Ngày 21/9/2022, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã thông báo một đợt tăng lãi suất mới, nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản (bps), từ 3% lên 3,25%.
-
Hé lộ các nhà băng khả năng được nới room tín dụng lần 2
Ngày 28/11/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục cấp bổ sung hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đã sử dụng từ 80% hạn mức được cấp. Đây là lần cấp hạn mức tín dụng bổ sung thứ 2 trong năm 2024 (lần 1 vào tháng 8/2024) với quyết tâm hoàn thành mục ...
-
Vì sao ngân hàng “trải thảm”, doanh nghiệp vẫn than không vay được?
Các công ty mà không vay được để sản xuất kinh doanh không phải vì ngân hàng không cho vay mà do bản thân doanh nghiệp không muốn vay.
-
Không dễ vay ngân hàng này trả nợ nhà băng khác
Một số ngân hàng bắt đầu cho khách hàng cá nhân vay lãi suất thấp để trả nợ mua xe hay nhà đất tại nhà băng khác, nhưng thực tế không dễ tiếp cận.