25/10/2023 7:53 PM
Thị trường vật liệu xây dựng không nung hiện nay có sự đa dạng về mẫu mã, chất lượng, phù hợp với nhiều công trình, loại hình xây dựng khác nhau.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, các công trình sử dụng khoảng 40% nguồn năng lượng, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải carbon và 40% chất thải rắn xây dựng.

Do đó, phát triển vật liệu xanh đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.

Sử dụng vật liệu không nung được xem là xu hướng tất yếu, đem lại nhiều lợi ích

Theo Bộ Xây dựng, sử dụng vật liệu xanh có rất nhiều ưu điểm vượt trội, không chỉ đem lại lợi ích cho ngành xây dựng mà còn cho cả xã hội, nhất là cải thiện môi trường sống. Trong đó, tăng cường sử dụng, sản xuất vật liệu không nung được xem là xu hướng tất yếu.

Vật liệu xây dựng không nung là gì?

Tại Việt Nam, Chương trình phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030 sẽ gắn mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu gạch không nung thay thế gạch đất sét nung. Cụ thể, gạch không nung sẽ thay thế một phần gạch đất sét nung với tỷ lệ 35 - 40% vào năm 2025, 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây.

Vật liệu không nung có nhiều ưu điểm như nhẹ, bền, dễ thi công và khả năng cách âm, cách nhiệt tốt

Vật liệu xây dựng không nung là loại vật liệu được tạo từ những phụ phẩm, phế thải hoặc các loại cốt liệu như mạt đá, cát, xi măng và một số thành phần phụ gia khác… thông qua quá trình tạo hình, đóng rắn mà không cần sử dụng đến nhiệt.

Các sản phẩm vật liệu không nung có nhiều ưu điểm như nhẹ, bền, dễ thi công và khả năng cách âm, cách nhiệt tốt nên đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn các loại vật liệu nung truyền thống. Ngoài ra, sử dụng vật liệu này trong xây dựng còn giúp tăng tuổi thọ công trình vì có độ bền cao, bề mặt nhẵn, mịn nên không cần tốn quá nhiều vữa khi thi công, giúp tiết kiệm chi phí.

Gạch không nung có thể sử dụng cho nhiều công trình, loại hình xây dựng khác nhau

Trên thị trường, vật liệu không nung có nhiều mẫu mã, chủng loại như: gạch bê tông gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt, gạch silicat… phù hợp với nhiều công trình, loại hình xây dựng khác nhau.

Đặc biệt, quá trình sản xuất vật liệu không nung không sử dụng đến đất nông nghiệp, do đó không làm ảnh hưởng tiêu cực đến diện tích đất nông nghiệp.

Các loại gạch không nung phổ biến trong xây dựng

1. Gạch block

Gạch block hay còn gọi là gạch bê tông cốt liệu, được cấu thành từ nguyên liệu chính là xi măng, đá mạt và các chất phụ gia. Đây là loại gạch phổ biến, chiếm tỉ lệ dùng lớn nhất trong các loại vật liệu xây dựng không nung hiện nay.

Gạch bê tông cốt liệu

So với các loại gạch xây khác, gạch block được sản xuất nhiều bởi nó có khả năng chịu lực tốt mà giá bán lại rẻ. Tuy nhiên, nhược điểm của gạch bê tông là nặng, thấm nước mạnh nên chỉ được dùng cho việc xây hàng rào, tường bao công trình không yêu cầu tính thẩm mỹ cao.

2. Gạch bê tông khí chưng áp AAC

Gạch bê tông chưng áp hay còn gọi là gạch AAC, loại gạch này được sản xuất bằng công nghệ chưng áp, các bọt khí được tạo ra khi gạch bắt đầu đông kết, bột nhôm có các phản ứng hóa học với các chất phụ gia tạo ra bọt khí.

Gạch bê tông khí chưng áp AAC

Tương tự gạch block, gạch AAC cũng được sản xuất từ vật liệu chính là xi măng, cát nghiền mịn, vôi và bột nhôm.

Cấu trúc gạch AAC là một khối bê tông với 80% cấu tạo là lỗ khí li ti dạng tổ ong kín. Các lỗ được kết nối bằng bê tông nên có thể nói đó là một khối bê tông rỗng có trọng lượng nhẹ. Theo đó, ưu điểm của loại gạch này là trọng lượng nhẹ, thi công dễ dàng và nhanh chóng.

Ngoài ra, gạch AAC có kích thước xây dựng khá lớn, giúp việc xây tường có độ chính xác cao, giảm thất thoát lượng vữa để trát phẳng mặt.

Tuy nhiên, loại gạch này có độ thấm nước cao, độ giãn nở tương đối nên thường được sử dụng để xây tường bao, các lán trại, hàng quán ven đường với thời gian sử dụng công trình không quá dài.

3. Gạch bê tông bọt

Gạch bê tông bọt có cấu tạo với hàng triệu bọt khí li ti độc lập với nhau, tạo ra hệ thống dạng tổ ong kín với kích thước siêu nhỏ.

Gạch bê tông bọt khí

Nhờ đó, loại vật liệu này có khả năng chống thấm rất tốt, hơn hẳn gạch bê tông chưng áp và bê tông cốt liệu. Bê tông bọt khí còn có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống cháy cực kỳ tốt cho các công trình.

Thông thường, nguyên liệu được sử dụng chính để sản xuất loại gạch này chính là bê tông, tro bay nhiệt điện, sợi tổng hợp, chất tạo bọt và các chất phụ gia. Bằng việc thêm cốt sợi và các loại phụ gia khác, bê tông bọt không bị co ngót, chống thấm và chống nứt tường tốt hơn.

Gạch bê tông bọt khí có trọng lượng nhẹ, giúp giảm tải trọng, giảm kết cấu nền móng tối đa cho công trình xây dựng.

4. Gạch bê tông tự chèn

Gạch bê tông tự chèn còn gọi là gạch tự chèn, loại gạch này được sản xuất theo dây chuyền ép rung ở cường độ cao. Nguyên vật liệu cấu tạo nên gạch tự chèn là xi măng, tro bay, xỉ than, cát đá dăm và chất thải công nghiệp…

Gạch bê tông tự chèn

Ưu điểm của gạch tự chèn là có cường độ chịu lực cao, chống trơn trượt và thi công nhanh chóng. Do đó, loại gạch này thường được sử dụng để lát vỉa hè, lát đường, bờ kè, lát sân vườn… trong các công trình thương mại, công nghiệp đến trang trí ngoại thất nhà ở.

5. Gạch silicat

Gạch silicat

Gạch silicat được làm từ cát và vôi nên thường được gọi là gạch vôi cát. Loại gạch này được sử dụng để trang trí trong các tòa nhà, công trình xây dựng.

6. Gạch papanh

Gạch papanh còn được gọi là parpaing, babanh, gạch bi… Đây là loại gạch không nung, được nén từ xỉ than phế thải công nghiệp với một lượng nhỏ vôi, và xi măng để liên kết. Đây là loại gạch được sử dụng phổ biến và có từ lâu đời ở nước ta.

Hiện nay, nguyên liệu để sản xuất gạch papanh dễ kiếm, vì thế nó có giá thành rẻ hơn một số loại gạch không nung hiện đại như ngày nay. Do đó, sử dụng gạch cho những công trình phụ sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho người dùng, thi công nhanh.

Bảng giá gạch không nung mới nhất

STT

LOẠI SẢN PHẨM

ĐƠN VỊ

GIÁ BÁN

1

Gạch ống 4 lỗ 180 x 80 x 80 mm

Đồng/viên

1.737

2

Gạch đinh 180 x 80 x 40 mm

Đồng/viên

1.479

3

Gạch đặc 200 x 100 x 50 mm

Đồng/viên

1.548

4

Gạch bê tông 40 x 80 x 180 mm

Đồng/viên

1.409

5

Gạch bê tông 80 x 80 x 180 mm

Đồng/viên

1.654

6

Gạch block ngang 400 x 100 x 200 mm

Đồng/viên

8.325

7

Gạch block ngang 400 x 150 x 200 mm

Đồng/viên

12.488

8

Gạch tự chèn 200 x 100 x 80 mm

Đồng/viên

6.227

9

Gạch bông gió 390 x 260 x 80 mm

Đồng/viên

22.656

Nguồn: Sở Xây dựng TP.HCM

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.