Tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 71/2010/NĐ-CP do Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Thông tư có nhiều điểm chưa hợp lý, thiếu rõ ràng, cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa vào áp dụng, bởi sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS.
Tăng thêm sự rườm rà về thủ tục
Băn khoăn về quy định việc lập hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai phải có thêm phần công chứng, đại diện Công ty BĐS Phát Đạt cho rằng, quy định này vô hình trung làm tăng sự rườm rà về thủ tục hành chính, làm mất nhiều thời gian, bởi thông thường, việc mua bán, chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai trên thị trường chỉ cần có văn bản xác nhận của chủ đầu tư và xác nhận đóng thuế thu nhập cá nhân của cơ quan thuế là có thể hoàn tất.
Tương tự, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuduc House cũng cho rằng, không cần thiết thêm phần công chứng trong hợp đồng chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai của khách hàng vì chỉ làm phát sinh đầu việc cho các bên liên quan.
Một nội dung khác được đề cập tại Dự thảo Thông tư, mà theo ý kiến của nhiều đại biểu, cũng sẽ tác động đến thị trường BĐS. Đó là, theo quy định tại khoản 5 và khoản 8, điều 7 của Dự thảo Thông tư, mỗi hộ gia đình hoặc cá nhân khi tham gia góp vốn hoặc hợp tác đầu tư chỉ được phân chia một lần với số lượng một nhà ở (biệt thự, nhà riêng lẻ hoặc nhà chung cư). Các hộ gia đình hoặc cá nhân đã được phân chia một lần với số lượng một nhà ở thì không được xác nhận phân chia nhà ở lần thứ hai (kể cả trường hợp người được phân chia nhà ở đã bán hoặc đã tặng nhà ở được phân chia lần đầu cho người khác). Bên được phân chia nhà ở không được chuyển nhượng quyền được phân chia nhà ở cho tổ chức, cá nhân khác.
Theo nhiều DN, quy định trên sẽ làm giảm dòng vốn đầu tư đổ vào thị trường BĐS.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không chỉ có Nghị định 69/2009/NĐ - CP, Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 71, mà cả Thông tư 13/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực từ ngày 1/10/2010) cũng khiến giới kinh doanh BĐS thêm lo ngại. Theo quy định tại Thông tư 13, các khoản vốn cho vay nhằm mục đích kinh doanh BĐS có hệ số rủi ro là 250%. Đây được xem sẽ là rào cản mới đối với loại hình tín dụng BĐS. Đại diện các ngân hàng thương mại cho biết, nếu áp dụng đúng theo quy định tại Thông tư này, sắp tới, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục “siết chặt” cho vay kinh doanh BĐS, ngay cả với đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở.
Thị trường sẽ càng khó khăn hơn
Những thủ tục mới được nêu ra tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 71 cũng được giới kinh doanh BĐS e ngại sẽ khiến cho thị trường tiếp tục “ngủ sâu”. Nhất là khi hơn 2 năm nay, giao dịch trên thị trường BĐS tại TP.HCM luôn trầm lắng. Ghi nhận tại các sàn giao dịch BĐS cho thấy, tình trạng giao dịch trầm lắng đối với mọi phân khúc của thị trường, thậm chí nhiều sàn giao dịch cả tháng không thực hiện thành công thương vụ nào. “Sàn giao dịch chúng tôi gần đây được nhiều DN gửi sản phẩm căn hộ để bán, trong đó có nhiều dự án có vị trí tốt, giá cả khá hợp lý, nhưng vẫn không thể bán được hàng”, giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại quận 3, TP.HCM than thở.
Không chỉ căn hộ, ngay cả với đất nền – phân khúc được đánh giá là có nhiều nhà đầu tư ưa chuộng cũng đang… bất động. Ông Nguyễn Minh Sương, Giám đốc Công ty Địa ốc Đại Nam (quận 2) cho biết, thị trường đất nền tại quận 2 hiện hầu như không có giao dịch.
Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Việt Nam nhận xét, từ đầu năm 2008 đến nay, các DN BĐS đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và nay tiếp phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. “Thị trường BĐS Việt Nam giống như một đứa trẻ còn non nớt, nhưng đã bị kìm hãm, thắt chặt quá mức, nên ảnh hưởng không ít đến sự phát triển tự nhiên của nó. Nếu thị trường không có được sự hỗ trợ, ngược lại còn bị tác động bởi nhiều quy định thắt chặt, nhiều DN địa ốc hoặc sẽ bị phá sản hoặc phải chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác”, ông Thành phàn nàn.