Nỗi lo về tình hình căng thẳng tại châu Âu, đồng USD mạnh lên và số liệu kinh tế thụt lùi tại Trung Quốc đã cùng lúc "dìm" tất cả các thị trường hàng hóa và tài chính đi xuống trong tuần qua, trong đó có thị trường dầu mỏ.
Mặc dù được hỗ trợ phần nào vào đầu tuần do tình thế căng thẳng tại Iran - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới (do lo ngại nguồn cung có thể bị siết chặt sau khi một số nước phương Tây áp dụng cấm vận kinh tế đối với nhà sản xuất dầu mỏ Iran vì chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này), song giá "vàng đen" đã nhanh chóng quay đầu đi xuống và kết thúc tuần qua với việc nối dài đà suy giảm từ tuần trước nữa.

Có thể "điểm mặt" những "tội đồ" chính dìm giá dầu giảm sút trong phần lớn các phiên trong tuần như sau. Đồng euro bị bán tháo và đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tuần so với đồng bạc xanh vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/11. Điều này đã giáng một đòn mạnh vào giá dầu mỏ - vốn được định giá bằng USD, do đồng tiến này mạnh lên sẽ làm dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư sở hữu những đồng tiền khác yếu hơn.


Đồng euro đã chạm xuống mức đáy 1,3212 USD - mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10 đến nay trong phiên 25/11 sau khi cuộc họp giữa 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone là Đức, Pháp và Italy vào hôm 24/11 cho thấy những bất đồng sâu sắc giũa các bên về một giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của khu vực.


Tại cuộc họp này, cả Đức và Pháp vẫn hứa sẽ cải cách các hiệp định của Liên minh châu Âu (EU) song Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel vẫn phản đối việc hỗ trợ phát hành trái phiếu châu Âu (eurobond) và gia tăng thêm vai trò của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Sau cuộc họp, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, bà Merkel và tân Thủ tướng Đức Mario Monti cho biết họ sẽ thúc đẩy việc cải cách các hiệp định EU song nhất trí không gia tăng thêm vai trò của ECB.


Sự giảm sút trong hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, cũng đẩy giá dầu đi xuống trong phần lớn các phiên trong tuần. Theo số liệu của ngân hàng HSBC, hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc đang chậm lại, với chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong tháng 11 đã giảm xuống mức 48 điểm - mức thấp nhất trong 32 tháng qua, kể từ tháng 3/2009, và so với mức 21 điểm của tháng 10 trước đó. Ở dưới mức 50 điểm, chỉ số này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang co lại. Với mức điểm trên, siêu cường kinh tế số một châu Á và thứ hai thế giới đang gây ra những lo ngại về một sự suy giảm tăng trưởng hiện hữu.


Các thị trường còn bị dìm sâu hơn do tăng trưởng kinh tế yếu kém tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất đồng thời là nhà tiêu thụ dầu thô số một thế giới, sau khi Bộ Thương mại nước này vào ngày 21/11 đã bất ngờ hạ dự báo tăng trưởng quý III từ 2,5% xuống 2%.


Ngoài ra, một loạt các thông tin xấu được đưa ra trong tuần qua cũng gây sức ép lên giá dầu, như việc Quốc hội Mỹ không đạt được nhất trí về cắt giảm thâm hụt ngân sách; Đợt bán trái phiếu thất bại bất ngờ tại Đức - nền kinh tế mạnh nhất khu vực Eurozone cùng với việc hai hãng đánh giá tín dụng Fitch và Moody's lần lượt đánh tụt hạng tín nhiệm của Bồ Đào Nha và hạ xếp hạng tín nhiệm trái phiếu chính phủ của Hungary, càng làm tăng thêm lo ngại châu Âu sẽ ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ.


Tin tốt duy nhất hỗ trợ cho giá dầu trong tuần là báo cáo về tình hình dự trữ nhiên liệu tại Mỹ, theo đó, Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) ngày 23/11 cho biết dự trữ dầu thô tại cường quốc này trong tuần trước nữa đã giảm tới 6,2 triệu thùng và thấp hơn khoảng 8% so với mức của cùng kỳ năm trước, đồng thời giảm này mạnh hơn dự báo trước đó của Viện dầu mỏ Mỹ (API). Điều này cho thấy nhu cầu tại nước tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới khá vững, bất chấp các điều kiện kinh tế khó khăn.


Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/11 trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ, hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 1/2012 chốt tuần ở mức 96,06USD/thùng, giảm so với 98,84 USD/thùng vào cuối tuần trước nữa. Còn tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ chốt tuần ở mức 106,11 USD/thùng, giảm so với mức 109,04 USD/thùng vào cuối tuần trước nữa.


Theo báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates, giá dầu mỏ sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế toàn cầu, trong đó cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu sẽ là nhân tố chính chi phối giá dầu trong những tháng cuối năm.


Trong khi đó, ngân hàng Mỹ Bank of America dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 104 USD/thùng trong quý I/2012. Theo ngân hàng này, các điều kiện tài chính xấu đi sẽ tác động tới hoạt động kinh tế và kéo giá dầu giảm./.
Theo Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh