Khu tái định cư Tứ Hiệp còn nhiều lô đất chưa xây dựng
Trước thông tin về việc giá đất nền Thanh Trì tăng mạnh sau thông tin lên quận xuất hiện trên một số trang tin bất động sản, tuần qua, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản có cuộc khảo sát thị trường đất nền một số khu vực ở đây.
Khác với sự sôi động, giá tăng mạnh như các thông tin trên mạng, những gì phóng viên ghi nhận được gần như là sự im lặng của thị trường. Không xuất hiện các biển quảng cáo, tờ rơi, rao vặt về thông tin mua bán đất nền ở đây.
Dạo quanh một số khu vực như Tả Thanh Oai, Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển…, hiếm hoi lắm phóng viên mới bắt gặp được văn phòng giao dịch bất động sản, nhưng phần nhiều cũng trong tình trạng “cửa đóng, then cài”.
Liên hệ với nhiều số điện thoại nhận là tư vấn viên, hoặc môi giới, nhưng người thì không liên lạc được, người bắt máy nhưng bảo bận, người thì cho biết đã chuyển nghề. Sau một hồi liên hệ, phóng viên cũng liên hệ được với một môi giới cá nhân tên Long.
Anh Long cho biết, thông tin lên quận không ảnh hưởng nhiều tới thị trường bất động sản Thanh Trì, vì phải đến năm 2025 mới lên, từ giờ đến đó còn thời gian dài.
Quỹ đất ở Thanh Trì hiện chủ yếu là đất ở ổn định của dân và đất nông nghiệp
Hiện giá đất nền ở các khu vực như Tả Thanh Oai từ 10 - 20 triệu đồng/m2 (riêng giá liền kề Khu đô thị Cầu Bươu từ 30 - 35 triệu đồng/m2), Cổ Điển A từ 35 - 40 triệu đồng/m2; Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, nơi có vị trí đẹp có giá từ 45 - 50 triệu đồng/m2... Tuy nhiên, giao dịch rất chậm, giá 7 - 8 triệu đồng/m2 cũng có.
Cùng nhận định, anh Nguyễn Trọng Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Bất động sản Văn Minh cho biết, so với cùng thời điểm năm ngoái, thị trường đất nền Thanh Trì hiện trầm hơn. Với những vị trí ngõ nhỏ trong thôn, xóm có giá trung bình dưới 10 triệu đồng/m2. Những vị trí trung tâm, vị trí tốt, mặt đường chính giá dao động khoảng trên dưới 50 triệu đồng/m2, nhưng vị trí này rất ít.
Theo anh Tuấn, tin Thanh Trì lên quận vào năm 2025 không tác động mạnh đến thị trường, vì giá ở đây cũng đã tăng trước đó. Thị trường có sôi động hay không là tùy thuộc vào nhu cầu người mua, trong khi nhu cầu hiện đang thấp.
Anh Tuấn cho biết thêm, nếu ngày xưa ở Tam Hiệp, Tứ Hiệp có lượng giao dịch tốt, thì hiện nay, đã chuyển sang Ngũ Hiệp, vì vừa tầm giá với khách hàng. Tuy nhiên, chỉ những lô đất có giá từ 1 - 1,5 tỷ đồng/lô mới dễ giao dịch, những lô trên 2 tỷ đồng giao dịch ít.
“Quỹ đất tại Thanh Trì hiện nay chủ yếu là đất ở ổn định và đất nông nghiệp của người dân, nên lượng giao dịch ở trong khu dân cư gần như không có, chỉ diễn ra ở các dự án”, anh Tuấn cho hay.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, ngoài Khu đô thị Đại Thanh có đông người dân về sinh sống, nhiều khu đô thị trên địa bàn còn trong tình trạng hoang vắng. Chẳng hạn, Khu tái định cư Tứ Hiệp nhiều lô chưa có nhà, cỏ dại mọc um tùm, hay như Khu đô thị Cầu Bươu, cách Khu đô thị Đại Thanh không xa, cùng trên trục đường Cầu Bươu, nhiều căn biệt thự cũng đang bị bỏ hoang, để cho cỏ dại mọc, dù dự án đã hoàn thành từ lâu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện UBND huyện Thanh Trì cũng cho biết, thị trường bất động sản trên địa bàn huyện hiện nay giao dịch chậm, việc sang tên, hay cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cho người dân cũng ít.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, chủ trương nâng cấp từ huyện lên quận chắc chắn sẽ tác động tới thị trường bất động sản ở Thanh Trì và các huyện khác, song giá đất tăng ở mức nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ phải tương xứng… Do đó, nhà đầu tư cũng cần phải thận trọng để tránh rơi vào cảnh ôm đất bỏ hoang như các đợt sốt đất trước đây.