Theo nhiều nhận định của các chuyên gia chứng khoán, năm 2011 thị trường sẽ tiếp tục đối diện với áp lực tăng cung do nhiều doanh nghiệp sẽ niêm yết sau thời gian trì hoãn; thêm vào đó, hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn bị hủy rất nhiều trước đó cũng dự báo sẽ khởi động trở lại.

Theo thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong năm 2010 có 187 doanh nghiệp mới niêm yết. Tại sàn TPHCM có 19 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin niêm yết trong năm 2010 nhưng chưa lên sàn, những doanh nghiệp này sẽ bắt đầu niêm yết trong năm nay. Ngoài ra cũng đã có một số doanh nghiệp lớn dự kiến chào sàn trong năm nay như Ngân hàng Quân đội (MB), Công ty Thủy sản Bình An, Công ty Tài chính cổ phần Xi măng, Công ty Cao su Bến Thành…

Ngoài ra, theo tổng hợp của Công ty truyền thông tài chính StoxPlus, trong năm qua đã có hơn 370 doanh nghiệp đăng ký phát hành thêm 8,1 tỉ cổ phiếu. Tuy vậy, con số phát hành thực tế chỉ đạt khoảng 5,7 tỉ cổ phiếu, tương đương 47.000 tỉ đồng, còn khoảng 2,4 tỉ cổ phiếu được hoãn đến năm nay. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch tăng vốn trong năm 2011 để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh sau khi nền kinh tế phục hồi.

Trong năm nay, cho đến thời điểm này, một số công ty lớn như Tập đoàn Than khoáng sản, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam cũng đã công bố phương án cổ phần hóa các công ty con và tiến đến cổ phần hóa tổng công ty theo lộ trình của chính phủ. Những sự kiện này sẽ thu hút một lượng vốn lớn từ thị trường chứng khoán niêm yết.

Theo Báo cáo chiến lược đầu tư 2011 của Công ty chứng khoán Rồng Việt, nếu thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng thì việc phát hành thêm cổ phiếu và niêm yết mới sẽ trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, tuy nhiên nếu thị trường không có nhiều đột biến, thì lượng cung lớn sẽ là lực cản của thị trường.

Việc Ngân hàng Nhà nước hoãn lộ trình tăng vốn của các ngân hàng cho đến cuối năm 2011 cho thấy những khó khăn trong thị trường vốn tại thời điểm hiện tại. Mặc dù có nhiều ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn, nhưng đến cuối năm 2010 vẫn còn khoảng 20 ngân hàng chưa hoàn thành.

Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP, các ngân hàng phải hoàn thành việc tăng vốn lên 5.000 tỉ đồng vào năm 2012 và 10.000 tỉ đồng vào năm 2015. Vì vậy trong năm nay, các ngân hàng nếu không sáp nhập thì phải nhanh chóng hoàn tất quá trình tăng vốn. Điều này sẽ làm gia tăng lượng cung lên thị trường và khiến thị trường khó bứt phá.

Theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính, khoa Tài chính Doanh nghiệp, Đại học Kinh tế TPHCM cung tiền năm 2011 được dự báo sẽ vẫn khó khăn, kinh tế trong nước đối mặt với nguy cơ lạm phát, doanh nghiệp đối diện với việc khó tìm vốn, vì vậy việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu sẽ được các doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn. Và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán vốn đã dư cung trong năm 2010.

Trong khi đó, Trưởng phòng Phân tích của Công ty chứng khoán Kim Eng Phan Dũng Khánh, cho rằng việc tăng cung của cổ phiếu xuất phát từ việc niêm yết mới thì cũng không đáng ngại, vì nhiều người trước đó đã nắm giữ cổ phiếu cũng sẽ tiếp tục nắm giữ khi doanh nghiệp lên sàn. Thêm vào đó, dòng tiền trong năm 2011 dự báo sẽ tăng do lượng vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm đến thị trường Việt Nam, điều này sẽ giúp hấp thụ một lượng cổ phiếu từ các đợt phát hành, cổ phần hóa và cả trên thị trường niêm yết.

“Không phải thị trường có bao nhiêu cổ phiếu, mà là có bao nhiêu cổ phiếu tốt, nếu nguồn cung lớn, nhưng công ty hoạt động hiệu quả thì nhà đầu tư vẫn sẵn sàng đón nhận”, ông Khánh nói thêm. Theo ông Khánh nguồn cung tăng sẽ có ảnh hưởng đến thị trường, nhưng nếu các cơ quan quản lý siết chặt quy chế niêm yết và phát hành để cổ phiếu lên sàn là cổ phiếu tốt thì lượng cung không những không đáng ngại mà còn là cơ hội cho nhà đầu tư có nhiều cổ phiếu để chọn lựa.

Cafeland.vn - Theo TBKTSG Online
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland