Sáng 23/5, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, thừa ủy quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ đánh giá thị trường chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu có nhiều biến động; chuyển đổi năng lượng còn chậm; kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo đánh giá của Chính phủ, những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế bước đầu có sự phục hồi tích cực trong trạng thái “bình thường mới”. Tổng thu ngân sách 4 tháng là 657.400 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. CPI tháng 4 tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất cùng kỳ 5 năm qua.
Đến giữa tháng 5, tín dụng tăng gần 7,2% so với cuối 2021 và tăng 17% cùng kỳ năm ngoái. Các vi phạm trên thị trường chứng khoán vừa qua được kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, giúp đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường.
Tính chung 4 tháng, 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng gần 27% cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo Chính phủ, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6%-6,5% là thách thức rất lớn
Chính phủ đánh giá thị trường chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro
Một trong những giải pháp được đưa ra là chủ động điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh tăng thu ngân sách bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Chính phủ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.
Nhiệm vụ tiếp theo được Phó thủ tướng đề cập là thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn từ các nơi chậm giải ngân sang nơi cần vốn, có khả năng giải ngân tốt hơn.
Trong năm nay, các cơ quan đang tập trung cao độ triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển. Đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý 4/2022.
Trình Quốc hội xem xét, quyết định 05 dự án trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng. Đó là các tuyến đường bộ cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
-
Ngoài mục đích mua chứng khoán kinh doanh, bất động sản đầu tư, Dự thảo Thông tư cũng không cho phép sử dụng vốn vay ngắn hạn để nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và mua cổ phần, mua phần vốn góp tại doanh nghiệp nhằm thâu tóm doanh nghiệp; mua bán sáp nhập để quản lý, phát triển doanh nghiệp về lâu dài là hoạt động mang tính dài hạn.