14/11/2011 3:15 PM
Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó kéo dài, một số dự án nhà ở tại TP. HCM nối tiếp nhau thực hiện “đại hạ giá” đã tác động rất mạnh đến thị trường căn hộ phía Bắc.

Đặc biệt, sau sự kiện hàng giảm giá của CTCP Địa ốc dầu khí (PVL) bán tại Hà Nội bị ế, nhiều người có nhu cầu mua nhà tại Hà Nội nảy sinh tâm lý chờ đợi và hy vọng thị trường căn hộ tại thủ đô giống TP. HCM, cũng sẽ giảm sâu trong thời gian tới.

“Rẻ mua chơi, đắt chờ đấy…”!

Có nhu cầu mua chung cư để ở và nắm trong tay khoảng 2,1 tỷ đồng, nhưng đã nhiều tháng nay, anh Nguyễn Đức Hải và gia đình vẫn phải thuê nhà ở Khu tập thể Thành Công (quận Đống Đa, Hà Nội) vì không thể tìm được căn hộ ưng ý với tầm tiền này.

Trong bối cảnh thị trường nhà đất trầm lắng, chưa bao giờ anh Hải và gia đình lại có cơ hội mua được căn hộ ưng ý cao như hiện nay. Thế nhưng, khi rất nhiều trung tâm môi giới bất động sản hứa hẹn sẽ tìm được căn hộ để gia đình có thể chuyển đến ở ngay tại khu Cầu Giấy, Thanh Xuân, thậm chí cả ở quận Đống Đa, thì anh Hải và vợ lại quyết định không mua nhà, mà tiếp tục ở nhà thuê và gửi số tiền vào ngân hàng để… sinh lời.

“Với số tiền 2,1 tỷ đồng, hiện tôi có thể mua được căn hộ với diện tích khoảng 70 m2 ở một quận gần trung tâm. Nhưng thị trường trầm lắng thế này nên sắp tới, với số tiền ấy, rất có thể tôi sẽ mua được một căn hộ rộng 80 m2, thậm chí 90 m2. Bởi tại TP. HCM, có dự án giảm đến 35% mà không có người mua. Do đó, rất có thể sắp tới thị trường bất động sản Hà Nội cũng sẽ có chủ đầu tư vì khó khăn mà phải giảm giá bán”, anh Hải lý luận.

Có mặt tại một sàn giao dịch bất động sản trên đường Lê Văn Lương kéo dài, bà Ngô Thị Thúy, nhà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: bà đến các sàn giao dịch bất động sản thời điểm này không phải để mua nhà, mà chỉ để hỏi xem giá căn hộ tại một số dự án đang nhắm đến có giảm hay không, dù nhu cầu mua nhà để “tách hộ” cho con trai vừa cưới vợ là có.

Theo bà Thúy, hiện tại Hà Nội chưa có trào lưu chủ đầu tư giảm giá bán bất động sản. Thế nhưng, vì tình hình khó khăn dự báo còn kéo dài, các chủ dự án sớm muộn cũng phải giảm giá. Với tâm lý đó, dù hiện có đủ tiền mua nhà và giá căn hộ đã giảm khá nhiều, bà Thúy vẫn chưa vội nghe theo nhân viên tư vấn mua nhà trong thời điểm này.

Chờ đợi các cuộc bán hàng… đại hạ giá!

Theo khảo sát của phóng viên ĐTCK tại nhiều sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội thì thời gian từ cuối tháng 10 trở lại đây, giao dịch bất động sản, đặc biệt là phân khúc căn hộ đột ngột chững lại. Trong khi lượng giao dịch ít đi, đại diện nhiều trung tâm môi giới bất động sản lại cho biết, lượng người quan tâm gọi điện hoặc trực tiếp đến sàn tìm hiểu giá của phân khúc căn hộ lại tăng lên.

Ông Đoàn Xuân Hải, Giám đốc Công ty Bất động sản Hà Nội Vàng trên đường Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Qua tháng “cô hồn”, thị trường bất động sản Hà Nội có chút khởi sắc, nhưng khoảng gần một tháng trở lại đây, thị trường nhà đất, nhất là phân khúc căn hộ hầu như không có giao dịch”.

Không chỉ Sàn bất động sản Hà Nội Vàng mới không có giao dịch, mà theo ông Hải, khoảng 20 sàn giao dịch bất động sản là đối tác của Công ty từ quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân cũng trong tình trạng rất ít có giao dịch thành công. Trong khi giao dịch trên thị trường căn hộ không có, thì lượng khách hàng gọi điện hoặc đến hỏi về giá cả thị trường để khảo giá lại tăng lên rất nhiều.

Theo anh Hải, việc thị trường căn hộ, nhất là thị trường căn hộ phía Nam giảm mạnh khiến người có nhu cầu mua nhà ngoài Bắc thận trọng hơn nhiều. Tâm lý chung của người có nhu cầu mua nhà tại Hà Nội dường như đang chờ đợi thị trường có động thái giảm sâu hơn.

Cùng quan điểm với ông Hải, ông Cao Xuân Cường, Phó giám đốc kinh doanh Sàn giao dịch bất động sản Cát Đại Lợi (quận Cầu Giấy) cũng cho biết: “Ảnh hưởng của những cơn đại hạ giá bất động sản trong Nam tới thị trường bất động sản Hà Nội chưa thực sự rõ ràng, nhưng xu hướng thị trường đang xấu và việc một số dự án trong Nam giảm sốc tác động đến tâm lý nhà đầu tư ngoài Bắc là có thật”.

Theo ông Cường, thị trường bất động sản luôn có 2 nhóm khách hàng là nhóm nhà đầu tư và nhóm người có nhu cầu mua nhà để ở. Với nhóm nhà đầu tư, nếu xu hướng thị trường rõ ràng, thanh khoản tốt thì dù giá tăng họ vẫn cứ nhảy vào. Nhưng hiện tại, thị trường khó khăn nên dù giá có giảm, họ cũng không tham gia. Ngược lại, với nhóm khách hàng mua nhà để ở, trong bối cảnh thị trường còn xấu, nhiều người đang phải đi thuê nhà, dù có đủ tiền mua căn hộ 60 - 70 m2, nhưng họ không sốt sắng mua nhà như trước, mà đa số có tâm lý chờ đợi thị trường giảm giá để có thể mua được căn hộ với diện tích rộng hơn, ở những vị trí tốt hơn.

Dẫn chứng được ông Cường đưa ra là thời gian gần đây, rất nhiều người gọi điện đến sàn chỉ để hỏi xem giá của dự án này thế nào, giá nhà dự án kia đã giảm chưa theo kiểu “rẻ mua chơi, đắt chờ đấy”, chứ rất hiếm thấy khách hàng nào sẵn sàng xuống tiền mua căn hộ, dù nhân viên môi giới rất nhiệt tình giới thiệu những ưu điểm của dự án họ quan tâm.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn khó khăn đến hết năm 2012. Vì thế, tình trạng chủ dự án bán tháo vì quá khó khăn về vốn rất có thể sẽ tiếp tục tăng lên. Thế nhưng, tại thị trường bất động sản Hà Nội thời gian qua, dù nhiều chủ dự án rất khó khăn về tài chính, nhưng mới chỉ thấy một vài động thái khuyến mãi về lãi suất cho khách hàng, chứ chưa thấy dự án nào giảm giá bán trực tiếp, khiến thị trường căn hộ càng trở nên trầm lắng.

Theo Nguyên Minh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.