Tại buổi làm việc với Hà Nội chiều 17/11, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng quản lý đô thị, đặc biệt là thị trường bất động sản. Để kiểu soát được thị trường bất động sản, cần rà soát lại các dự án, quản lý các doanh nghiệp… để tránh thị trường phát triển quá nóng, mất khả năng kiểm soát.
Tới đây các dự án nhà ở sẽ được Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương để rà soát lại, cấn đối cung - cầu. Ảnh minh họa Internet.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng: “Cần xem xét lại thực trạng của thị trường bất động sản hiện nay, để xác định xem thị trường đang đóng băng hay bong bóng, để có đánh giá chính xác tham mưu cho Chính phủ đưa ra phương án quản lý phù hợp”.
“Nếu thị trường bất động sản đang là bong bóng, thì phải nghiên cứu phương án làm sao để xì hơi nó mà không làm nó nổ. Nếu thị trường bất động sản mà nổ, hậu quả sẽ rất nguy hiểm, có thể làm phá sản hệ thống ngân hàng như tại Mỹ thời gian qua. Vì hiện nay chắc chắn dư nợ bất động sản đang chiếm một tỉ lệ rất lớn trong tổng dư nợ của các ngân hàng”, ông Thảo khuyến cáo.
Ngoài ra, bàn về vấn đề nhà ở xã hội, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho biết, trọng tâm mà Chính phủ yêu cầu Bộ và các địa phương qua tâm trong thời gian tới là nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên.
Muốn phát triển được nhà ở xã hội theo hình thức phi hàng hóa, cần có trách nhiệm của nhà nước, và cả xã hội. Hiện nay các dự án nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì bị nhà nước khống chế về giá bán, nên thời gian tới muốn phát triển cần có sự đầu tư của nhà nước.
Theo chiến lược phát triển nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng, nhà ở xã hội sẽ tập trung cho 8 nhóm đối tượng thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở, gồm: Người có công với cách mạng; người dân vùng vao, vùng nông thông; người dân đô thị; tri thức, văn nghệ sĩ; lực lượng vũ trang; công nhân; sinh viên; đối tượng cô đơn, không nơi nương tựa, không có khả năng làm ra tiền – nhóm đối tượng này sẽ được cấp nhà miễn phí.