Bà Đỗ Thu Hằng |
Xin bà hãy chia sẻ nhìn nhận của bà về triển vọng thị trường trong năm nay? Đâu là những cơ sở để cho rằng, thị trường đang có những động lực tốt để hồi phục trở lại?
Thị trường BĐS năm tới được Savills đánh giá là vẫn trên đà phục hồi, tuy nhiên cũng chỉ ở một số phân khúc. Theo tôi, việc phục hồi này vẫn còn phải phụ thuộc vào nguồn cung, cầu tại các phân khúc khác nhau cũng như mức độ kỳ vọng của các nhà đầu tư khi lựa chọn các loại hình đầu tư phù hợp.
Tôi vẫn cho rằng thị trường BĐS trong tương lai sẽ hướng đến việc phát triển các sản phẩm dành cho người sử dụng cuối cùng. Thêm vào đó, các loại hình BĐS phát triển phục vụ cho giải trí, nghỉ dưỡng cũng sẽ gia tăng.
Thị trường trong năm 2014 & 2015 đã đón nhận rất nhiều những quy định và chính sách góp phần làm thị trường ấm lên như gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng, luật nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam... Hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm của thủ đô Hà Nội cũng đang dần hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng trong năm 2015 như tuyến đường sắt đô thị Hà Nội – Cát Linh, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015. Cầu Nhật Tân, Nhà Ga T2 Sân bay nội bài… đưa vào khai thác trong năm 2015.
Rất nhiều dự án sau giai đoạn huy động vốn từ năm 2010 đến nay cũng đang trong giai đoạn hoàn thành xây thô và hoàn thiện nhà, tạo thêm nguồn cung về hàng hóa cho thị trường và các đối tượng mua nhà để ở.
Thêm vào đó, điều kiện thị trường cũng có nhiều lợi thế như kiều hối liên tục tăng trong những năm gần đây, dao động từ 9-12 tỷ USD, là một trong những kênh có thể tiếp vốn cho thị trường bất động sản; hay lãi suất xuống thấp…
Vậy theo bà, phân khúc nào sẽ có sự phục hồi và bứt phá mạnh nhất trong năm nay?
Theo tôi, phân khúc được dự báo sẽ có sự phục hồi nhanh hơn các phân khúc khác là phân khúc căn hộ để bán. Trong năm 2015, thị trường tiếp tục hướng đến các sản phẩm có vị trí và chất lượng tốt, tiến độ xây dựng đảm bảo và được quản lý chuyên nghiệp. Đồng thời, BĐS nghỉ dưỡng cũng hứa hẹn là một lựa chọn đầu tư giàu tiềm năng của thị trường.
Thông tư 36 của Ngân hàng nhà nước mới đây sẽ tác động như thế nào đến thị trường BĐS, theo bà?
Có thể nói, tác động trực tiếp của thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường bất động sản là sẽ giúp DN cũng như các nhà đầu tư được tiếp cận các nguồn vốn một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, đối với mỗi nghị định hay thông tư được triển khai đều cần phải có một độ trễ nhất định giúp thị trường thích nghi với các điều khoản lợi ích mới. Thêm vào đó, chúng ta cũng cần phải có những tầm nhìn dài hạn đối với các thông tư, nghị định trong việc xác định việc nó có tác động đến thị trường hay không.
Tuy nhiên, liệu dòng vốn có chảy vào BĐS nhiều không và liệu có gây ra rủi ro bong bóng BĐS, kéo theo hệ lụy nợ xấu như trước không?
Việc có thể gây ra rủi ro bong bóng BĐS hay không còn cần nhìn vào thực tế việc giải quyết hệ lụy của nợ xấu hiện nay. Các ngân hàng sẽ phải thận trọng hơn trước các dòng vốn cho BĐS.
Để thị trường phục hồi song không gây bong bóng trở lại như trước đây, theo tôi, có nhiều việc cần làm, đặc biệt là cần chú ý tới sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách cũng như các thành viên thị trường, từ bên phát triển dự án, bên cho vay, đến công tác kiểm soát tiến độ xây dựng…
Xin cảm ơn bà.