Theo ông Marc Townsend – Tổng Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam: Thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội trong quý I/2011 hoạt động chịu nhiều ảnh hưởng tác động từ nền kinh tế vĩ mô, có mảng tăng, mảng giảm và đặc biệt có nhiều nhà đầu tư vàng trước đây đã chuyển sang đầu tư BĐS.
Điều chỉnh kinh tế vĩ mô, nhà đầu tư gặp khó về vốn

Quý 1/2011 chứng kiến sự thay đổi trong chính sách của Chính phủ, từ tập trung tăng trưởng kinh tế sang kiểm soát lạm phát. Chính phủ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ với việc Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất chiết khấu và lãi suất tái góp vốn. Lãi suất tái cấp vốn tăng từ 9% lên 11% trong tháng 2/2011, sau đó lên 12% trong tháng 3/2011, khiến các ngân hàng thương mại gặp khó khăn khi vay tiền từ Ngân hàng Trung ương, do vậy hạn chế khả năng cho vay.


Bên cạnh đó, trong nỗ lực cải thiện thâm hụt thương mại quốc gia và sự thiếu hụt đồng đô la Mỹ, tỷ giá đồng Việt Nam trên đô la Mỹ đã bị điều chỉnh 4 lần kể từ tháng 11/2009. Đồng Việt Nam bị giảm giá 9,3% so với đồng đô la Mỹ và biên độ giao dịch hàng ngày giảm từ +/-3% xuống còn +/-1%.


Điều kiện kinh tế khó khăn trong quý 1/2011 thể hiện qua tốc độ tăng GDP của Việt Nam khá khiêm tốn, ở mức 5,4% so với cùng kỳ năm trước là 5,8%. Tuy nhiên giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục tăng khá, ở mức 14,1% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1/2011.


Theo thống kê, tại Hà Nội, trong quý 1/2011, GDP tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức trung bình của cả nước. Trong quý 1/2011 có 57 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 427,7 triệu USD. Ngành du lịch Hà Nội cũng tăng trưởng tốt với 319.000 lượt khách quốc tế tới Thủ đô, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng quý 1, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đã tăng 22,7%.


Tình hình kinh tế hiện nay tác động đến tiến độ xây dựng của nhiều dự án đô thị mới. Theo đó, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn bị thắt chặt và có lãi suất cao đã chuyển thành sự chậm trễ trong thi công. Tuy nhiên, do phần lớn các dự án đô thị mới được đầu tư và phát triển tương đối lâu dài nên khó khăn về vốn có thể coi là vấn đề tạm thời. Bằng chứng là quý 1/2011 đã chứng kiến một số dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và một số dự án đã khởi công. Mặc dù vậy, nếu sản phẩm tung ra thị trường bán chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ tiếp theo của dự án…


Thị trường nhà ở: Nhiều dự án tung hàng


Nghiên cứu của CBRE cho biết, trong quý I, tại Hà Nội, ở thị trường căn hộ bán đã đón nhận nguồn cung mới dồi dào (8.200 căn), tương đương hơn một nửa tổng cung của cả năm 2010. Hai dự án lớn của Vincom là Royal City và Times City chiếm hơn 50% tổng cung mới trong quý này. Phân khúc trung cấp có số lượng căn được chào bán nhiều nhất. Xét về vị trí, quận Hà Đông để mất vị trí dẫn đầu cho quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân do sự góp mặt của hai dự án Times City và Royal City.



Phối cảnh Times City tại 458 Minh Khai, Hà Nội.


Đáng chú ý, tốc độ bán của phân khúc cao cấp được cải thiện đáng kể so với năm 2010. Các dự án cao cấp mới chào bán có tốc độ bán tốt. Tốc độ bán của các dự án đã chào bán trước đó cũng được cải thiện trong quý này, song vẫn khá chậm so với các dự án mới chào bán gần đây.

Nếu như trong năm 2010 các dự án chào bán cao hơn mức 1.500 USD/m2 thường có tốc độ bán chậm, đến quý 1/2011 đã không còn tồn tại mức giá phân định rõ ràng như vậy. Người mua khó tính hơn khi cân nhắc so sánh số tiền sẽ bỏ ra với giá trị nhận được từ căn hộ, bao gồm vị trí, danh tiếng chủ đầu tư, thiết kế, chất lượng và tiện ích, trước khi đi đến quyết định mua cuối cùng.


Giá chào bán trên thị trường thứ cấp nhìn chung ổn định, ngoại trừ phân khúc trung cấp có mức tăng giá khá, khoảng 8,5% so với quý trước. Xu hướng giá bình ổn này dự kiến sẽ tiếp tục trong quý 2/2011, do nguồn cung mới dự kiến vẫn ở mức cao (4.000 căn) và nhu cầu bị hạn chế.


Bên cạnh đó, thị trường nhà đất trong các khu đô thị tại Hà Nội tiếp tục là kênh đầu tư được ưa thích trong quý 1/2011, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động cũng như nguồn cung chung cư lớn. Lý do này cùng với việc cơ sở hạ tầng ở nhiều khu vực đang được xây dựng và dần hoàn thiện khiến phân khúc nhà đất trong nhiều dự án đô thị mới có giá bán tăng.


Thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê: tăng trưởng tốt

Như được dự đoán, nguồn cung căn hộ dịch vụ cho thuê ở Hà Nội tiếp tục tăng trưởng trong quý 1/2011…Căn hộ dịch vụ cho thuê của Hoà Bình Green Apartments đi vào hoạt động, cung cấp thêm 50 căn hộ cho thị trường. Hoà Bình Green Apartments là dự án thứ 4 tại Hà Nội được quản lý bởi The Ascott, một nhà điều hành căn hộ dịch vụ cho thuê có trụ sở tại Singapore.


Giá chào thuê tăng ở một số dự án, đưa giá thuê trung bình của toàn thị trường tăng 2% tính theo giá thuê trên m² và tăng 8% tính theo giá thuê trên căn hộ. Tỷ lệ lấp đầy được cải thiện so với quý trước và so với cùng kỳ năm 2010. Nếu không tính hai dự án mới khai trương gần đây là Grand Plaza và Hoà Bình Green Apartments, tỷ lệ trống của cả thị trường là 5,7% trong quý 1/2011, giảm từ mức 7,2% của quý 4/2010.


Hoạt động khả quan của các dự án trong quý này là do số lượng khách hỏi thuê lớn trong quý với ngân sách thuê gia tăng, cao hơn so với quý 4/2010. Một số dự án được cải tạo nâng cấp, trong đó có Fraser Suites tăng thêm 16 căn hộ vào nguồn cung của mình.


Về triển vọng, thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê sẽ tiếp tục chào đón nguồn cung mới trong những quý tới. Khách hỏi thuê từ những công ty mới gia nhập hoặc quay trở lại thị trường Việt Nam sẽ giúp hấp thu nguồn cung mới. Tuy nhiên, căn hộ dịch vụ cho thuê sẽ tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh từ phân khúc căn hộ mua để cho thuê lại.


Thị trường Văn phòng: Bùng nổ nguồn cung


Nghiên cứu của CBRE cũng cho biết, thị trường văn phòng hạng B trong quý 1/2011 chào đón 3 dự án gồm Hoàng Cầu Geleximco (quận Đống Đa), Crown Complex và TTC Tower (khu vực phía Tây). Những dự án này đóng góp gần
47.000 m2 vào thị trường văn phòng cho thuê. Giá chào thuê tại các phân hạng đều giảm nhẹ trong quý này. Trong đó, giá chào thuê văn phòng Hạng A ở mức 39 – 40 USD/m2/tháng và Hạng B là 26 –27 USD/m2/tháng. Trong khi tỷ lệ trống của văn phòng Hạng A giảm xuống mức 9,6%, tỷ lệ trống toàn thị trường của hạng B lại tăng lên mức 18,7%.

Nhu cầu thuê văn phòng được đánh giá là tăng khá mạnh trong quý 1 vừa qua. Diện tích cho thuê được toàn thị trường đạt 37.800 m2, mức cao nhất từ trước đến nay cho diện tích cho thuê được trong một quý. Khoảng 25.250 m2 cho thuê được thuộc hạng B và 12.550 m2 thuộc những dự án hạng A, chủ yếu thuộc khu vực phía Tây.


Trong năm 2011, dự kiến hơn 383.000 m2 sàn văn phòng sẽ được đưa vào hoạt động, trong đó, hai phần ba đến từ khu vực phía Tây. Keangnam Hanoi Landmark Tower với tổng diện tích 159.000 m2 sàn văn phòng sẽ là tâm điểm của thị trường văn phòng Hà Nội năm 2011.


Với một lượng lớn diện tích văn phòng bổ sung thêm vào nguồn cung sẵn có, năm 2011 khách thuê sẽ có nhiều lựa chọn văn phòng chất lượng cao. Cũng trong năm nay, những khách thuê ký hợp đồng từ năm 2008 (thời hạn hợp đồng 3 năm) sẽ có rất nhiều lựa chọn. Khách thuê có thể gia hạn khi hợp đồng hết hạn hay chuyển đến những tòa nhà hiện đại hơn tại khu vực Ba Đình, Đống Đa hoặc khu vực phía Tây. Ước tính, nhu cầu lớn sẽ đến từ các công ty trong ngành ngân hàng, sản xuất, điện tử và viễn thông với kế hoạch mở rộng trong hai đến ba năm tới. Đối với các chủ đầu tư, 2011 sẽ là năm đầy thách thức với sự cạnh tranh ngày càng gắt gao.


Nhìn chung, thị trường BĐS Hà Nội trong quý I/2010 hoạt động tương đối sôi động. Trên hầu hết các mảng thị trường đều đón nhận nguồn cung lớn nên dự báo trong năm 2011 sẽ có sự cạnh tranh lớn giữa các chủ đầu tư để thu hút người mua, khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, tuy nhiên hiện giá cả thị trường vẫn còn cao
Cafeland.vn - Theo Hà Nội Mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland