Thị trường bất động sản (BĐS) được kỳ vọng sẽ khởi sắc sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản cho phép các dự án xây nhà để bán hoặc cho người thu nhập thấp thuê; nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp (KCN), dự án nhà ở được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2012… ra khỏi danh mục dự án phi sản xuất, đồng nghĩa với việc tiếp tục được vay vốn trở lại với lãi suất thấp. Song, cũng có ý kiến cho rằng, động thái "nới van tín dụng" này của NH chưa đủ để vực dậy t
Thị trường bất động sản: “Van” tín dụng vẫn hẹp

Quyết định của NHNN có giúp thị trường bất động sản khởi sắc? Ảnh: Phương An


Theo văn bản của NHNN, dư nợ cho vay với nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; dư nợ cho vay xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các KCN, khu chế xuất, khu kinh tế; xây dựng nhà ở cho công nhân KCN, nhưng không thu tiền thuê nhà hoặc thu tiền thuê với giá thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở do UBND cấp tỉnh ban hành mà chi phí xây dựng nhà ở hoặc chi phí tiền thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập DN; hoàn thiện các dự án phát triển nhà ở được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản được đưa ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất. Động thái này được coi là "nới van" tín dụng đối với thị trường BĐS, nên được nhiều người kỳ vọng sẽ là cú hích giúp thị trường thoát khỏi tình cảnh trầm lắng. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lĩnh vực BĐS cũng như chủ đầu tư dự án cho rằng, cánh cửa tín dụng cho thị trường BĐS vẫn còn quá hẹp, khó có được sự khởi sắc trong ngắn hạn.

Đại diện một chủ đầu tư dự án nhà ở lớn phân tích, các công trình đáp ứng điều kiện mà NHNN đưa ra không nhiều. Những dự án nhà ở được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2012, có nghĩa đã phải hoàn thành hơn 90% khối lượng thì DN cũng chẳng dại gì vay vốn NH để rồi phải trả lãi mà có thể huy động từ khách hàng. Trong khi đó, những dự án đang thực sự cần vốn từ NH là những dự án đang xây thô thì vẫn nằm trong danh mục phi sản xuất. Trên thực tế, ngoại trừ một số rất ít chủ đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, đủ sức triển khai dự án mà không phụ thuộc nguồn vốn NH, còn lại hầu hết đều trong tình trạng lo lắng, bởi nếu không vay được vốn với lãi suất hợp lý thì khó triển khai được dự án đúng tiến độ để có thể bán hàng thu tiền và trả nợ cho NH. Tùy theo điều kiện cụ thể, DN chọn giải pháp dừng dự án hoặc cố gắng bằng mọi cách đẩy tiến độ càng nhanh càng tốt để nhanh chóng thu tiền của khách hàng. Ngay cả phía tổ chức tín dụng, trong bối cảnh thị trường đóng băng không giao dịch, cũng không muốn làm thủ tục phát mãi tài sản vì không muốn trở thành ông chủ ôm đống hàng tồn.


Bên cạnh các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, nhóm được quan tâm hơn cả có lẽ là nhóm vay tiêu dùng để sửa chữa nhà hoặc mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương hoặc tiền công. Đây là nhóm khách hàng được đánh giá không nhỏ nên nếu đưa ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất sẽ giúp giảm đáng kể tỷ trọng dư nợ phi sản xuất của các NH xuống. Mặt khác, việc nới tín dụng với nhóm này là giúp cho những người có nhu cầu thực được tiếp cận với nguồn vốn. Khi lãi suất cho vay nhóm này được đều chỉnh giảm, người mua nhà sẽ mạnh dạn vay tiền, từ đó chủ đầu tư dự án cũng có tiền để triển khai dự án và NH có cơ sở để thu hồi nợ. Thị trường BĐS hiện nay được cho là vẫn phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng. Nguồn vốn cho thị trường BĐS chủ yếu từ hệ thống NH và tiết kiệm của người dân. Nguồn tín dụng trung, dài hạn hầu như không có, trong khi lãi suất vay ngắn hạn cũng rất cao. Do đó, khi NH siết chặt cho vay sẽ tác động tới kế hoạch triển khai dự án của các chủ đầu tư, thậm chí phải dừng thi công. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát cao, yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô được đặt lên hàng đầu, việc siết chặt tín dụng với BĐS là điều khó tránh khỏi.
Theo Khánh Hòa (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.