Nới lỏng tín dụng
Sau một thời gian các DN bán tháo
hàng vì nguồn tín dụng cho thị trường này bị siết chặt, nhằm giúp cho
thị trường BĐS dễ thở hơn, tháng 11 vừa qua, NHNN đã mở cơ chế cho các
tổ chức tín dụng loại trừ 4 nhóm có nhu cầu vay vốn thuộc lĩnh vực BĐS
ra khỏi tỷ trọng tín dụng phi sản xuất. Theo đó, những nhóm nhu cầu vay
được loại trừ gồm: nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn
trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng vay; xây dựng nhà để
bán, cho thuê cho người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu
công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; xây dựng nhà ở cho công nhân khu
công nghiệp; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở sắp hoàn
thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1-1-2012.
Thị trường BĐS tồn đọng quá nhiều căn hộ cao cấp nhưng thiếu căn hộ vừa túi tiền người có nhu cầu. Ảnh: HUY ANH
Tiếp đó, Thủ tướng đã ban hành Chỉ
thị 2196 yêu cầu các cơ quan quản lý phải nâng cao vai trò, trách nhiệm
của mình trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư các dự án phát
triển nhà ở, đầu tư kinh doanh BĐS. Thủ tướng đưa ra thông điệp về việc
mở biên độ cho tín dụng cho vay BĐS bằng các giải pháp thúc đẩy xây
dựng nhà ở xã hội, cho vay mua nhà với người thật sự có nhu cầu…
Thủ tướng cũng chỉ đạo NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu để có hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách tín dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trường BĐS; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng thực sự có nhu cầu vay tiền mua nhà để ở.
Với chỉ thị này, một mặt Thủ tướng
đã đưa ra một số giải pháp nhằm giúp cho các DN đang có dự án đang
triển khai, đặc biệt là DN tham gia các chương trình nhà ở xã hội được
khơi thông dòng vốn để đưa sản phẩm ra thị trường.
Mặt khác, Chính phủ vẫn mạnh tay
thắt chặt nguồn cung mới đưa ra thị trường bằng cách yêu cầu NHNN chỉ
đạo các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt
bằng, các dự án khởi công mới và các dự án BĐS cao cấp, chỉ xem xét cho
vay đối với các dự án BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn
đầu tư trong năm 2012. Các chuyên gia BĐS cho rằng, để thị trường BĐS
hồi phục, cần rất nhiều yếu tố khác nhưng với những động thái trên của
Chính phủ cũng đã phát ra một tín hiệu tích cực cho thị trường.
Cần thời gian “ngấm thuốc”
Thông điệp của NHNN được đưa ra
trong tháng 11 vừa qua có thể được coi là nút thắt nguồn vốn cho thị
trường này đã được nới lỏng nhưng đối tượng được nới lỏng lại quá hẹp
không như kỳ vọng của giới đầu tư, chưa đủ để kích thích thị trường.
Với tình trạng tồn đọng số lượng
căn hộ khá lớn như hiện nay thì giải pháp thắt chặt nguồn cung của Chính
phủ được các chuyên gia BĐS cho rằng đây là cơ hội giúp các DN đẩy được
“hàng tồn kho”. Tuy vậy, thực tế cho thấy thị trường BĐS cũng chưa thể
chuyển động được do một thời gian dài phát triển quá lệch lạc: chưa có
quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở; hoạt động đầu tư phát triển nhà ở
không theo nhu cầu thực của thị trường mà phát triển tràn lan, tự phát,
chỉ chạy theo phục vụ giới đầu cơ. Điều đó được thể hiện rõ sau hàng
loạt các chiêu khuyến mãi, giảm giá căn hộ đến 20%-30% nhằm kích thích
thị trường của các chủ đầu tư nhưng hiện vẫn chưa thấy được tính thanh
khoản trong thị trường căn hộ.
Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực ví thị trường này như một cái hồ cá có quá nhiều thức ăn dành cho cá lớn nhưng thiếu thức ăn dành cho cá bé nên thức ăn đã sình lên hôi thối còn cá bé vẫn đói. “Số lượng căn hộ tồn đọng không bán được do có diện tích quá lớn. Dù giảm giá cũng vượt khỏi khả năng chi trả của người có nhu cầu thì làm sao bán được?”, ông Đực nói.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM
(HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, Chính phủ cần phải có lộ trình giảm dần
lãi suất và tạo điều kiện cho DN BĐS được vay vốn tín dụng ngân hàng.
Hiệp hội BĐS TPHCM cũng vừa có văn bản kiến nghị UBND TP và các sở -
ngành chức năng giải quyết một số vướng mắc trong thị trường BĐS và tài
chính đất đai. Trong đó, Hiệp hội BĐS TPHCM kiến nghị không xếp ngành
BĐS vào nhóm dịch vụ phi sản xuất mà xếp vào ngành sản xuất kinh doanh
có điều kiện như Luật DN đã xác định.
Theo ông Lê Hoàng Châu, hiện lãi
suất cho vay của các tổ chức tín dụng quá cao, do đó ông đề nghị có lộ
trình giảm lãi suất xuống mức 15%-16% và duy trì ở khoảng 11%-12%/năm
như trước đây để thị trường BĐS phát triển bền vững và hướng đến an sinh
xã hội. Một chủ DN địa ốc tại quận 7 cũng cho rằng, với lãi suất còn
quá cao như hiện nay, người có nhu cầu cũng khó có thể kham nổi lãi suất
tiền vay để mua nhà. “Không chỉ tháo gỡ cho DN mà Nhà nước cần phải có
nhiều giải pháp là hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà”, vị chủ DN này
kiến nghị.
Cũng phải nhìn nhận rằng, mặc dù
những động thái này chưa thể làm cho thị trường chuyển động như kỳ vọng
nhưng sau khi NHNN nới lỏng tín dụng với cho vay BĐS cũng đã giúp những
khách hàng có nhu cầu vay tiền tất toán các hợp đồng mua bán với chủ đầu
tư đang ở giai đoạn sắp nhận nhà. Một số ngân hàng cũng đã hạ lãi suất
cho vay mua BĐS, hỗ trợ người mua nhà bằng cách kéo dài thời gian vay...
Với những quyết sách từ phía nhà nước, các chuyên gia BĐS nhận định
rằng, thị trường đang có những phản ứng tốt với chính sách nhưng cũng
phải cần thêm thời gian mới thấy được sự tác động của nó đối với thị
trường.
Cụ thể, với những giải pháp hạn chế nhà ở phân khúc cao cấp, nới lỏng tín dụng cho các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp và các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở… kỳ vọng thị trường căn hộ sắp tới sẽ hướng đến người mua để ở nhiều hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để thị trường BĐS phục hồi và đi lên bền vững, giá BĐS và lãi suất cho vay phải ở mức hợp lý mới có thể kích cầu được.