Năm 2011, thị trường bất động sản thiếu hụt nguồn vốn trầm trọng.
Trấn an về nhu cầu vốn cho thị trường trong năm nay, mới đây, Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Năm 2012 sẽ có thay đổi nhỏ
đối với tín dụng cho bất động sản. Nếu trước đây tính bất động sản vào
phi sản xuất, thì năm 2012 sẽ được xem xét lại cho phù hợp hơn. Chẳng
hạn, trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép được cho vay mua nhà
để ở, bảo đảm an sinh xã hội như là xây nhà cho công nhân thuê, nhà xã
hội..., thì năm 2012 sẽ cho vay thêm đối với đối tượng hoàn thiện công
trình nhà ở trong năm. Ngoài ra, những người vay mua nhà để ở cũng sẽ
được cân nhắc, xem xét.
Ðáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét
đối với một số khoản nợ bất động sản do doanh nghiệp có thể gặp khó
khăn trong thời buổi thắt chặt tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ có hướng
dẫn cho các tổ chức tín dụng thực hiện tái cơ cấu lại nợ đối với những
doanh nghiệp để họ đỡ áp lực tài chính với doanh nghiệp và ngân hàng.
Việc tái cấu trúc lại những khoản vay đó có thể giúp họ tháo gỡ được khó
khăn.
Dù vậy, theo một số chuyên gia, năm nay, thị trường bất
động sản chưa thể ấm lên, vì kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam
năm 2012 đã được Quốc hội thông qua, trong đó nhiệm vụ trọng tâm vẫn là
tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã
hội, tái cấu trúc lại nền kinh tế trong đó có hệ thống ngân hàng. Do đó,
thị trường bất động sản chắc chắn còn trầm lắng hơn năm 2011, vì tình
hình kinh tế còn khó khăn trong khi các nhà đầu tư lại đang đưa ra những
số sản phẩm không phù hợp với thị trường.
Phó Chủ tịch Hiệp hội
nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng: "Phải hết quý III-2012, thị
trường bất động sản mới có thể có dấu hiệu khả quan hơn. Các doanh
nghiệp cần xác định từ nay tới đó sẽ phải "sống cầm hơi". Ðồng thời, năm
2012 sẽ có nhiều doanh nghiệp bất động sản bị thải loại. Ðó là điều
chắc chắn".
Trong suốt thời gian qua, thị trường bất động sản "đóng băng", không ít người đổ lỗi do tín dụng và thắt chặt tiền tệ. Song, nếu nhìn nhận ở một khía cạnh khác, nguyên nhân chính là do nguồn vốn xã hội đã đổ vào bất động sản đầu tư quá lớn, cộng với việc lên giá quá cao nhiều năm đã vượt quá khả năng mua của người có nhu cầu thực, cho nên phần lớn lòng vòng ở khâu mua bán với nhau kiếm lời. Ðây cũng có lỗi một phần từ việc quản lý tín dụng chưa tốt để khâu đầu cơ lên quá mức.
Với những tín hiệu khó khăn của nguồn vốn, có thể năm 2012 sẽ là năm nhiều chủ đầu tư phải chuyển nhượng dự án, nhà đầu tư thứ cấp phải bán tháo sản phẩm thuộc phân khúc đất nền (sau việc bán tháo căn hộ chung cư ở năm 2011), vì mảng đất nền có lượng tiền đầu tư lớn nhất và khó thanh khoản hơn. Cùng với đó, việc các công ty thanh lý nốt số sản phẩm tồn sẽ khiến thị trường xác lập một mức giá mới.
Trong trường hợp áp lực về tài chính có thể giảm, nhưng đó mới là yếu tố cần, còn yếu tố đủ sẽ không xảy ra với mọi phân khúc, thì đến cuối năm 2012, thị trường bất động sản chỉ hy vọng có một vài điểm sáng, chứ chưa thể khởi sắc.