17/11/2011 7:37 AM
Sau cú sốc giảm giá của dự án căn hộ Land Mark (quận 2, TP Hồ Chí Minh), người dân có nhu cầu nhà ở đang trông chờ giá nhà đất trở về giá trị thật của nó và thị trường này sẽ đi vào quỹ đạo ổn định.
Người mua sẽ hưởng lợi

Thông tin giá căn hộ Land Mark (của Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí-PVL) giảm giá 35%, từ 20,3 triệu đồng/m2 xuống còn 15,5 triệu đồng/m2 quả là vô cùng hấp dẫn đối với người mua nhà, vì vị trí Land Mark rất đẹp nằm ngay trong khu An Phú, An Khánh - khu dân cư VIP nhất hiện nay tại quận 2 chỉ cách trung tâm TP Hồ Chí Minh 5 km. So với các dự án ngay sát bên như Catavil, The Vista, Estella đang được rao bán trên dưới 30 triệu đồng/m2 thì giá bán của Land Mark chỉ bằng một nửa, nên việc được nhiều khách hàng quan tâm là điều dễ hiểu.

Thị trường bất động sản sau hiện tượng giảm giá
Các chủ dự án căn hộ đang tích cực khuyến mại, giảm giá nhằm thu hút khách hàng.

Nhìn vào tính thực tế của thị trường bất động sản, việc giảm giá này là tất yếu bởi sau nhiều năm bị đẩy giá lên quá cao thì thị trường lâm vào tình trạng “ảo giá”, không sát thực tế thu nhập của người dân. Nhận định của các chuyên gia, việc Land Mark giảm giá chỉ là khởi đầu, đến cuối năm và sang đầu năm 2012, dưới sức ép thu hồi nợ của các ngân hàng, các chủ dự án sẽ có những đợt giảm giá mạnh hơn nữa. Các doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải chấp nhận giảm giá để thu hồi vốn. Một chuyên gia nhận định, bất động sản có “xì hơi” và trở về với giá trị thật của nó hay không, sang đến đầu năm 2012 sẽ rõ. Lý do, như đại diện chủ đầu tư PVL thừa nhận là “áp lực phải trả nợ ngân hàng”, bởi khi đáo hạn mà chưa trả được nợ, sẽ có ba gánh nặng đè trên lưng doanh nghiệp là lãi suất vay (điều chỉnh tăng hàng năm), phạt nợ quá hạn và lãi mẹ đẻ lãi con.

Trên thực tế, trong bối cảnh thị trường BĐS “lâm nạn”, các chủ đầu tư dự án đang rất tích cực khuyến mại, hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Nhưng thực tế cho thấy mặc dù vẫn có giao dịch, nhưng nhìn chung sức mua của thị trường căn hộ rất yếu. Có thể nói, trong nhiều yếu tố tác động vào thị trường, điều mà doanh nghiệp địa ốc ngán ngại nhất là đầu ra của sản phẩm. Tính thanh khoản thị trường yếu khiến nhà đầu tư thứ cấp dè dặt, trong khi những người có nhu cầu mua căn hộ để ở mang tâm lý chờ đợi giá sẽ còn giảm thêm.

Vai trò nào điều tiết thị trường?

Nếu nhìn từ góc độ phát triển thị trường, nhiều người cho rằng đây là dịp thị trường sàng lọc bớt những doanh nghiệp non yếu, cả về kinh nghiệm lẫn năng lực tài chính. Điều này có thể “đau” đối với nhiều doanh nghiệp nhưng giúp thị trường “khỏe mạnh” hơn. Giới quan sát thị trường nhận định, thị trường địa ốc, đặc biệt là phân khúc căn hộ, khó có thể sớm phục hồi ngay cả khi chính sách tiền tệ được nới lỏng và lãi suất hạ xuống. Người ta vẫn đang chờ xem liệu sẽ có bao nhiêu công ty địa ốc “đuối sức” và cuối cùng sẽ phải rời cuộc chơi.

Nhiều ý kiến e ngại rằng, tiếp sau hiện tượng hạ giá sẽ không loại trừ những dự án bị thôn tính, khả năng xảy ra việc bán toàn bộ dự án, xin phá sản doanh nghiệp, mua bán sáp nhập doanh nghiệp... sẽ diễn ra mạnh hơn. Các nhà đầu tư cho rằng thị trường BĐS sẽ tiếp tục rơi vào cảnh hỗn độn nếu như vẫn tiếp diễn tình trạng đầu tư phát triển dự án ồ ạt. Sản phẩm ứ đọng, những khoản nợ phình to sẽ dẫn đến hậu quả là hàng loạt doanh nghiệp, công ty đứng ngồi không yên vì bị chiếm dụng vốn. Đó là những nhà cung cấp vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, kính xây dựng và trang trí, gạch ốp lát... cùng đội ngũ những người làm công ăn lương đang trông chờ khoản thu nhập hàng tháng mang về cho gia đình.

TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng thị trường BĐS là một thị trường khổng lồ, nên chiến lược chung của thị trường BĐS là sử dụng minh bạch nguồn cung; lãi suất ngân hàng thì duy trì ở mức độ vừa phải để nhà đầu tư có thể chấp nhận và phát triển được.

Chính phủ cần phải xây dựng chiến lược phát triển nhà ở trên nền tảng cho đối tượng là người thu nhập thấp, cán bộ công chức... nhằm tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho người dân.
Theo Sĩ Dũng (Báo Tin Tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.