02/11/2020 9:10 AM
Thời điểm bất động sản bùng nổ, nhiều nhà đầu tư liều lĩnh xuống tiền nhưng ít để ý đến pháp lý vẫn thu lợi khủng. Tuy nhiên hiện nay, nhà đầu tư vô cùng thận trọng, không còn dám mạo hiểm.

“Sập hầm” vì lơ là pháp lý

Lúc thị trường nhà đất đang trong cơn phát triển, nhiều nhà đầu tư đã không sợ hãi mà xuống tiền để đầu tư vào những dự án còn trong “trứng nước”, dù pháp lý chưa đầy đủ. Kết quả thu lại, nhiều nhà đầu tư thu được lợi lớn.

Tuy nhiên, cũng có không ít nhà đầu tư vì tin vào những lời hứa của chủ đầu tư đã liều lĩnh không để ý đến pháp lý dự án, từ đó trở thành nạn nhân của các công ty nhà đất lừa đảo. Điển hình như việc sử dụng đất nông nghiệp rồi phân lô, bán nền thu tiền của người dân nhưng không được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng, lập dự án.

Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã khởi tố, tạm giam đối với Đỗ Sơn Tùng (37 tuổi, quê Hà Nam), Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Nhà đất Đồng Nai (Công ty BĐS Đồng Nai, có trụ sở ở khu phố 4, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa).

Tùng bị bắt để điều tra liên quan đến các đơn tố cáo của người dân cho rằng Công ty BĐS Đồng Nai đã vẽ dự án "ma" lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thị trường bất động sản: Qua rồi thời lướt sóng và ít để ý đến pháp lý - 1

Người dân cần thận trọng để không mua phải dự án “ma”

Kết quả xác minh của cơ quan chức năng, từ năm 2018 đến nay, Tùng đã vẽ ra hàng loạt dự án như: Green Town, Nice Town, Happy Town 2, Happy Town 3 tại huyện Trảng Bom. Các dự án trên không được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự án nằm trên đất nông nghiệp, song tổ chức này vẫn rao bán dưới hình thức ký hợp đồng đặt cọc, chuyển nhượng cho hàng trăm khách hàng, thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng.

Để tạo niềm tin cho khách hàng khi mua đất, Tùng cam kết trong thời gian ngắn, kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc, sẽ ra văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên rất nhiều khách hàng đã đóng tiền mua đất.

Tuy nhiên, khi đã quá thời hạn cam kết nhưng vẫn chưa được ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng, nhiều khách hàng đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.

Đánh vào lòng tham của nhà đầu tư

Năm 2020, thị trường bất động sản đang cho thấy sự chững lại. Thị trường bộc lộ những mặt “tối” và có không ít nhà đầu tư đã sập bẫy.

Anh Huỳnh Tấn Tài, nhà đầu tư đất nền cho hay, rất nhiều người mua đất nền chỉ vì ham rẻ và dẫn đến rất nhiều hệ lụy kéo theo. Trong đó, dính vào các dự án ảo hoặc mua đất nhưng bị quy hoạch, đất không cho chuyển đổi mục đích sử dụng, đất đang tranh chấp…

“Hiện nay, có không ít công ty bất động sản đưa ra những sản phẩm đất nền giá rẻ để đánh vào lòng tham của nhà đầu tư. Khi cá cắn câu, buộc nhà đầu tư 'đâm lao phải theo lao'. Từ đó nhà đầu tư chỉ thêm phần thiệt hại nặng nề mà không thu được gì về”, anh Tài chia sẻ.

Từ những bài học "xương máu" về đầu tư như trên, hiện tại nhà đầu tư đã thận trọng hơn. Yếu tố pháp lý được tìm hiểu kỹ và không còn dám liều lĩnh như trước đây.

Điển hình, tại khu vực giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Long An, nhà đầu tư đang rất thận trọng… Bởi vì khu vực giáp ranh hiện nay rất nhiều đất nông nghiệp và chính quyền ngày càng siết chặt để tránh tình trạng phân lô, bán nền không kiểm soát.

Thị trường bất động sản: Qua rồi thời lướt sóng và ít để ý đến pháp lý - 2

Đất nông nghiệp là miếng bánh mà nhiều công ty thả ra để câu nhà đầu tư, khách hàng.

Ông Nguyễn Hoàng , Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Việt Nam cho rằng, vừa trải qua 2 đợt dịch Covid-19 nhưng tình trạng mua bán đất nền vẫn diễn ra sôi động, đây là điều tương đối bất thường.

"Theo ghi nhận của chúng tôi, có khoảng 90% người mua đất nền ở TPHCM là để đầu cơ, không phục vụ mục đích ở. Từ đó, các công ty làm ăn chụp giật liên tục vẽ các dự án "ma" với "bề ngoài nhìn là ngon ăn" để lừa gạt", ông Hoàng cho hay.

ThS. Trần Quang Chung (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng, để bị cuốn vào vòng xoáy bất động sản có một phần lỗi của người mua khi bất chấp tất cả hòng đầu tư theo kiểu "một vốn bốn lời". Chính việc này đã khiến thị trường nhà đất tiềm ẩn yếu tố bất ổn với việc đầu cơ tích trữ rất nhiều và sang tay liền. Đồng thời dẫn đến việc các công ty bán dự án "ma" bất chấp tất cả mà hình thành và ra tay lừa gạt.

Luật sư Lê Thị Bích Hằng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay, để ngăn chặn các hoạt động kinh doanh “ma” bất động sản thì các cơ quan chức năng phải minh bạch thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dựng pano, bảng hiệu cảnh báo khu đất quy hoạch, khu đất không làm dự án để người dân cảnh giác và phòng ngừa.

Chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tiến hành cưỡng chế các dự án sai phạm, trả lại hiện trạng khu đất, nhắc nhở chủ khu đất không nên nghe theo lời của các công ty bất động sản bất chính.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình phân lô bán nền trái phép. Khi có hình thức xử phạt, chế tài nặng, doanh nghiệp làm trái quy định mới thật sự sợ. Bên cạnh đó, người mua đất cần liên hệ đến chính quyền địa phương để kiểm tra pháp lý, như vậy sẽ giúp hạn chế rủi ro.

Quế Sơn (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.