13/08/2011 5:47 AM
Những năm gần đây, câu chuyện sáp nhập, chuyển nhượng dự án đã không còn mới lạ trong giới kinh doanh địa ốc. Đặc biệt, từ khi chính sách thắt chặt tiền tệ vào lĩnh vực bất động sản được áp dụng, hoạt động này diễn ra có xu hướng nhiều hơn.

Sóng mua bán, sáp nhập

Sau một thời gian dài gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và khá chật vật trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp địa ốc tính đến chuyện chuyển nhượng, rút lui khỏi dự án.

Vừa qua, đơn cử như việc Tập đoàn Vincom đã công bố chính thức việc chuyển nhượng dự án Tổ hợp văn phòng, TTTM, dịch vụ và nhà ở trên khu đất tại địa chỉ 233B - 235, đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội cho Công ty Cổ phần Thành phố Mặt trời (Sun Group).

Trước đó, tại Đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng vào cuối tháng 3/2011 cho biết, Công ty sẽ không đầu tư dàn trải mà tập trung vào các dự án chính có khả năng cạnh tranh và khả năng thu hồi vốn tốt là dự án khu phức hợp La Casa, quận 7. Đồng thời thương thảo chuyển nhượng 44.700m2 đất tại quận 9, chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án Tân Tạo - Bình Tân.

Còn theo Công ty Nhà Việt Nam sẽ gác lại kế hoạch xây dựng 2 khu chung cư Condo I và II thuộc The Boat Club Residence, do khó khăn đầu ra. Công ty cũng sẽ chuyển nhượng 4.920m2 đất tại phường Trường Thạnh, quận 9 vì không có khả năng kinh doanh.

Vào khoảng đầu tháng 6/2011, Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung cũng đã thông qua việc chuyển nhượng khách sạn Đà Nẵng Riverside và khu đất 5.000m2 tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng với lý do chuyển nhượng để ổn định nguồn lực tài chính.

Thị trường bất động sản: Nở rộ chợ “dự án”

Thời gian qua, có không ít dự án đã xây xong một phần, thậm chí 50% dự án cũng được sáp nhập, chuyển nhượng. Ảnh: Minh Nguyệt

Chợ “dự án”

Theo ý kiến một số chuyên gia, xu hướng sáp nhập dự án không chỉ xảy ra với các nhà đầu tư trong nước mà nhà đầu tư nước ngoài cũng đang từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh bằng việc thâu tóm các dự án.


Chẳng hạn vào ngày 10/5 vừa qua, Tập đoàn CapitaLand (Singapore) đã ký kết liên doanh với Khang Điền Sài Gòn (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền) để phát triển khu nhà ở gồm 974 căn hộ tại quận 2, Tp.HCM với tên gọi Spring Life.


Sau đó, vào ngày 30/5, CapitaLand cũng công bố mua lại 65% cổ phần một dự án 9.000m2 tại huyện Bình Chánh, Tp.HCM của Quốc Cường Gia Lai với giá 121,2 tỉ đồng. Mới đây, Công ty The Ascortt Limited – Công ty thành viên của CapitaLand đã chi ra 9,45 triệu USD mua lại 90% cổ phần trong dự án Somerset Central TD Hai Phong City của Công ty Cổ phần Thùy Dương.


Ngoài ra, theo thông tin từ Công ty Cổ phần Chương Dương, một đối tác nước ngoài cũng đang đàm phán mua lại dự án Golden Land (Thủ Đức) của doanh nghiệp này.


Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An cũng cho biết đang xúc tiến các thủ tục pháp lý để hoàn tất vụ chuyển nhượng dự án khu dân cư Tân Tạo A (quận Bình Tân) cho nhà đầu tư nước ngoài Dacin Holdings.


Theo ông Neil MacGregor - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đang thực sự khan hiếm nguồn vốn, do vậy các nhà đầu tư đang tìm kiếm những nguồn tài chính mới. Điều này đã khiến hoạt động mua bán và sáp nhập trở nên rất sôi động. Họat động mua bán và sáp nhập trong thị trường bất động sản thế giới đang phát triển nhanh chóng ở mức 23,8% trong giai đoạn 2009-2010.

Giới quan sát thị trường dự báo rằng, vốn vay cho thị trường bất động sản đang bị thắt chặt và vấn đề dòng tiền đang trở thành áp lực rất lớn cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, xu hướng sáp nhập, chuyển nhượng dự án sẽ nhộn nhịp hơn từ nay đến cuối năm và có không ít chủ nhân mới được thay là nhà đầu tư nước ngoài.

Qua đó, cũng cần có cách nhìn khái quát hơn trong hoạt động sáp nhập, chuyển nhượng dự án, bởi không phải tất cả các dự án nào sang nhượng cũng đồng nghĩa với lỗ.

Sắp tới, xu hướng này sẽ còn tiếp tục diễn ra khi nhiều nhà đầu tư nhận thức rằng sáp nhập, chuyển nhượng sẽ góp phần tăng cường sức mạnh tài chính giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thảo Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.