Nới tín dụng cho BĐS chỉ giúp nhu cầu vốn tạm thời, muốn phục hồi thị trường, cần cân đối cung - cầu và cơ cấu lại nguồn hàng...

Chỉ thị 2196 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 6/12) mở rộng đối tượng cho vay bất động sản (BĐS), các dự án BĐS sẽ hoàn thành trong năm 2012 là “tin vui” với thị trường BĐS.


Theo đó, trong năm 2012, tín dụng tiếp tục được mở cho các chủ đầu tư BĐS có thể hoàn thành giao nhà trong năm theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, cơn khát “vốn” trong suốt năm qua sẽ được giải tỏa phần nào.


Thị trường bất động sản khó phục hồi năm 2012
Thị trường căn hộ cao cấp được đánh giá đang thừa nguồn cung so với nhu cầu

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Group Cường Phát, đây là một tín hiệu rất tích cực cho thị trường, gỡ khó cho các doanh nghiệp BĐS và tránh cả nguy cơ nợ xấu cho các ngân hàng. Nhiều dự án BĐS trước đây được ngân hàng cho vay để thực hiện, khi dự án hoàn thành 70 - 80% mà không cho vay tiếp thì ngoài sự đổ vỡ của các doanh nghiệp BĐS, hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên do nợ xấu và khó thu hồi vốn.


Ông Nguyễn Hữu Cường nhấn mạnh: “Đây là giải pháp vừa giải tỏa cơn khát vốn của thị trường và nguy cơ đổ vỡ của khá nhiều các doanh nghiệp vay tiền ngân hàng đầu tư BĐS. Có những dự án sắp sửa hoàn thiện, bây giờ nếu nhận được tiền vay tiếp từ phía ngân hàng thì rõ ràng đây là sự cứu cánh để khỏi đổ vỡ của khá nhiều ngân hàng vì khá nhiều doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu từ phía ngân hàng”.


Thị trường BĐS thời gian qua thiếu vốn là do sự sụt giảm đồng loạt các nguồn tiền đưa vào thị trường. Từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đầu tư nước ngoài, đầu tư của các doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước không làm trong lĩnh vực BĐS đầu tư chéo đến nguồn vốn đầu tư từ phía người dân. Do đó, nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng chỉ một phần trong dòng vốn vào thị trường BĐS.


Thị trường BĐS “đóng băng” trong thời gian qua, bên cạnh nguyên nhân nguồn vốn bị cắt giảm còn do nguồn hàng mất cân đối, thị trường tập trung quá nhiều vào những sản phẩm cao cấp, nhưng đây không phải là nhu cầu thực mà chủ yếu do đầu cơ. Theo thống kê trong những năm gần đây, thị trường thứ cấp chiếm 60% tổng lượng cung, nhiều dự án BĐS đã bán hết nhưng không có người đến ở.


Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long cho rằng: Khi thị trường lên, giới đầu cơ tiếp tục đổ tiền vào các dự án nhưng khi thị trường xuống, họ nhanh chóng rút ra. Như vậy hình thành một nhu cầu ảo với mức giá cao hơn so với thị trường. Trong khi đó, căn hộ nhà giá rẻ, nhà có giá hơn 1 tỉ đồng là nhu cầu thực của những người mua nhà để ở thì thiếu rất rất nhiều, điều này phản ánh rõ nhất sự mất cân đối của thị trường. Như vậy, ngoài nguồn vốn, để thị trường BĐS phục hồi, cần phải cơ cấu lại nguồn hàng để nguồn cung hướng đúng vào nguồn cầu thực trên thị trường, việc này sẽ cần một khoảng thời gian nhất định”.


Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam: Trong năm 2012 thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn, các ngành phục vụ, đầu vào của BĐS như vật liệu xây dựng, trang trí nội thất… sẽ chịu ảnh hưởng khi thị trường đi xuống. Việc nới lỏng tín dụng ngân hàng cho các dự án BĐS hoàn thành trong năm 2012, nguồn cung của thị trường BĐS tiếp tục tăng. Như vậy giá BĐS sẽ tiếp tục xuống”.


Sau việc nới dần tín dụng cho thị trường BĐS trong những tháng cuối năm, nguồn vốn cho thị trường đã được giải quyết phần nào và còn mở thêm những kênh mới trong huy động vốn cho BĐS. Nhưng để có sự phục hồi và ổn định dài hạn cần những giải pháp đồng bộ trong việc cân đối các phân khúc của thị trường hướng đến những nhu cầu thực của người dân./.

Theo Hoài Lam (VOV News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.