BĐS khu vực trung tâm đang quá… rẻ?
Một căn nhà mặt phố Cửa Đông, diện tích 128 m2, 5 tầng, móng nhà 7 tầng, nhà mới, thiết kế dạng văn phòng, có thang máy, sổ đỏ chính chủ, được rao bán với giá 510 triệu/m2. Một nhà trong ngõ phố Cửa Nam, mặt tiền 4m, diện tích 146 m2, sổ đỏ chính chủ, có giấy phép xây dựng, có giá 258 triệu/m2. Nhà mặt phố Lý Nam Đế, diện tích 30m2, mặt tiền 5,3m, giá 600 triệu/m2. Nhà mặt phố Hà Trung, diện tích 53m2, mặt tiền 4,5m, giá 30 tỷ… Đó là những BĐS tọa lạc tại quận Hoàn Kiếm- khu vực trung tâm nhất của Hà Nội.
Tất nhiên, những BĐS kia không dành cho những người chưa nhiều tiền. Thậm chí, so với giá BĐS trên thế giới, Hoàn Kiếm, Hà Nội đang đứng ở hàng top. Tuy nhiên, nếu so với BĐS khu vực phía Tây thành phố và một số quận mới như Thanh Xuân, Cầu Giấy, thì lại “rẻ” đáng kể.
Giá đất trong ngõ tại khu vực phía Tây hiện đứng ở mức khoảng 120-200 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền trung bình khoảng 250-350 triệu đồng/m2. Thậm chí, tại một số tuyến phố lớn như Trần Duy Hưng, Lê Đức Thọ, giá có thể lên tới 400 triệu đồng/m2.
Nếu so sánh về giá, BĐS quận Hoàn Kiếm vẫn cao nhất thành phố. Tuy nhiên, nếu so về những yếu tố cấu thành giá thì BĐS quận Hoàn Kiếm thấp hơn nhiều so với khu vực phía Tây. Thứ nhất, là yếu tố vị trí. Không một khu vực nào có thể so với Hoàn Kiếm về độ tiện lợi. Yếu tố thứ hai là khả năng sinh lời. BĐS quận Hoàn Kiếm có khả năng sinh lời bậc nhất Hà Nội trong bất cứ hình thức kinh doanh nào. Trong khi đó, dù có thể được quy hoạch là trung tâm hành chính mới của quốc gia nhưng BĐS khu vực phía Tây cũng khó có thể so được với Hoàn Kiếm.
Khu vực trung tâm Hà Nội vẫn được tính là 4 quận nội thành cũ, bao gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Ngoài Hoàn Kiếm, giá BĐS 3 quận còn lại đều đang “mềm” hơn đáng kể so với khu vực phía Tây.
Tại Ba Đình, quận được coi trung tâm thứ hai sau Hoàn Kiếm, giá đất các ngõ phố nhỏ chỉ dao động trong khoảng 100-120 triệu đồng/m2. Giá đất ngõ phố lớn, ô tô vào được khoảng trên dưới 200 triệu đồng/m2. Giá đất mặt tiền cũng chỉ khoảng 200-300 triệu đồng/m2. Giá chung cư cao cấp như chung cư 671 Hoàng Hoa Thám khoảng hơn 40 triệu đồng/m2, lại giao nhà ở ngay.
Hai quận trung tâm khác là Hai Bà Trưng và Đống Đa cũng có giá tương tự hoặc thấp hơn. Một căn nhà 5 tầng mặt ngõ Nguyễn Lương Bằng, sổ đỏ 30m2, mặt tiền 3,7m, gần phố, tiện đi lại, giá 3,15 tỷ. Nhà khung bê tông trong ngõ Nguyễn Phúc Lai, Ô Chợ Dừa, diện tích 35m2 x 3,5 tầng cộng tum, ôtô đỗ cách nhà 30m, giá 3,8 tỷ. Nhà mặt phố Nguyễn Chí Thanh, mặt bằng 45m2 đất, 4 tầng, sổ đỏ, giá 9,9 tỷ. Nhà trong ngõ phố Mạc Thị Bưởi, diện tích 50m2, giá 3,8 tỷ. Nhà mặt phố Nguyễn Khoái, 4 tầng, mặt tiền 3,5m, diện tích 50 m2, giá 9 tỷ…
Quay lại với trung tâm
Sau một thời gian dài “miệt mài” lướt sóng BĐS khu vực phía Tây, nhiều nhà đầu tư đã “tỉnh ngộ” quay lại với khu vực trung tâm khi nhận ra giá đang tồn tại sự bất hợp lý.
Theo một số nhà đầu tư, hiện có khá nhiều công chức đang làm việc trong nội thành Hà Nội có nhà ở ngoại thành, có tiềm lực tài chính vì gia đình đã bán đất ngoại thành cho… dân Hà Nội “lướt sóng”, đang phải đi lại vất vả. Nguồn cầu này hiện đang rất lớn. Đặc biệt, những chung cư có giá 30 – 35 triệu đồng/m2 ở quận Cầu Giấy, có chỗ đậu xe hơi, luôn luôn ở trong tình trạng “cháy hàng”. Bên cạnh đó, còn không ít những người có tiềm lực tài chính với mong muốn “tiến về Thủ đô” đang tìm kiếm những BĐS có giá 3-5 tỷ đồng tại khu vực trung tâm nhằm tiện lợi cho công việc và sinh hoạt.
Nắm được lượng “cầu” lớn này, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng mua những căn nhà có diện tích vừa và nhỏ, sửa chữa, nâng cấp và sang tay. Một nhà đầu tư cho biết, bỏ ra hơn 3 tỉ đồng mua một miếng đất ngoại thành để chờ “lướt sóng” không bằng mua một căn nhà 3 tỷ trong ngõ phố, bỏ thêm 200-300 triệu đồng sửa chữa và bán với giá không dưới 3,5 tỷ đồng.
Hiệu quả của cách đầu tư này không cao, lãi suất chỉ khoảng 10-20% nhưng bù lại, tốc độ quay vòng vốn rất nhanh, trong vòng khoảng 2-3 tháng. Đặc biệt, với những BĐS dạng này, người mua luôn luôn sẵn.