15/09/2011 10:12 AM
Thị trường BĐS đang trong thời kỳ khó khăn chưa từng thấy. Một loạt những đòn “chí mạng” liên tục dội xuống khiến thị trường ảm đạm trong một thời gian dài.
Thị trường Bất động sản: Đói vốn lẫn niềm tin!
Ảnh minh họa. nguồn internet.

Sự suy giảm đó còn là hệ quả từ sự phát triển chộp giật, thiếu chiều sâu, làm mất đi những yếu tố bền vững, niềm tin của khách hàng, vốn và các nguồn lực khác.

Đình trệ, dang dở...

Mặc dù tháng 8/2011 đã có nhiều tín hiệu lạc quan từ các chính sách vĩ mô như: Chính phủ đưa BĐS ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất và nới tín dụng, Ngân hàng giảm lãi suất cho vay… nhưng cho đến nay hầu hết các dự án vẫn chưa thể tiếp tục triển khai. Hàng loạt dự án lớn nhỏ vẫn trong tình trạng đình trệ, dang dở, thậm chí phải đổi chủ.

Ở thời điểm này, không chỉ có nhà đầu tư nhỏ lẻ, đói vốn mới chịu thảm cảnh đó, mà ngay cả đến những “ông lớn” trong ngành BĐS cũng đau đầu với bài toán về vốn. Lúc thị trường chưa gặp khó, việc huy động vốn từ khách hàng, người dân thông qua hình thức hợp đồng góp vốn rất dễ dàng.

Nhưng đến nay, dù dòng tiền trong dân vẫn lớn nhưng cả chủ đầu tư lẫn nhà phân phối thứ cấp đều gặp khó trong việc tìm kiếm khách hàng. Anh Nguyễn Hoàng Nam, một nhà đầu tư “tay ngang” cho biết, anh và một vài người bạn chung vốn để đầu tư BĐS. Thấy chỗ nào có khả năng sinh lời, các anh chỉ mua “ôm” vài tháng sau đó bán đi hưởng tiền chênh. “Chúng tôi đã có dự định mua vào một căn hộ tại khu Xala có giá khoảng hơn 2 tỷ đồng nhưng 1-2 năm nữa mới được nhận nhà. Chúng tôi thấy nếu đầu tư vào như vậy sẽ không đảm bảo, các nhà đầu tư đã lấy vốn của người dân để kinh doanh nếu họ phá sản hoặc không bàn giao nhà như dự kiến thì sẽ gây thiệt hại rất lớn. Do đó, tôi đã rút vốn và không đầu tư vào việc mua căn hộ mà chuyển sang đầu tư vàng. Nhiều người như chúng tôi đã quay sang đặt vốn vào vàng vì vàng thường ổn định và không mất giá”, - anh nói.

Các chuyên gia địa ốc nhận định rằng, tình hình lạm phát tăng cao, kinh tế khó khăn dẫn đến thắt chặt tín dụng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp BĐS. Bởi các doanh nghiệp BĐS Việt Nam thường có quy mô nhỏ, vốn ít, khi biện pháp tài chính bị thắt chặt thường dẫn đến khó khăn ngay tức khắc.

Lúc này, tìm vốn từ các kênh khác là điều rất khó khăn bởi rất ít đơn vị tạo được thương hiệu và niềm tin đối với các nhà đầu tư cũng như với khách hàng. Cùng với đó là sự phát triển không hài hòa giữa các phân khúc, thị trường không minh bạch và thiếu ổn định.

Phải tôn trọng sự thật

Trong bối cảnh niềm tin của người dân cũng như tình hình thị trường xuống mức rất thấp như hiện nay, những yêu cầu giải cứu thị trường BĐS bị đẩy vào thế bế tắc. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải tự tìm giải pháp vốn cho mình đừng trông chờ vào một giải pháp là vốn tín dụng. Bởi vì vốn tín dụng có tháo gỡ thì cũng không thể đáp ứng cho thị trường.

Trong khi Chính phủ tìm nhiều biện pháp để kiềm chế lạm phát thì chắc chắn vốn tín dụng sẽ phải định hướng vào những chỗ để không làm tăng giá cả hàng hóa. Theo một số liệu thống kê, số lượng vàng nằm trong dân là khoảng 500 tấn, hãy tính đến chuyện làm sao để tăng độ tin cậy cho người tiêu dùng. Và người tiêu dùng, người dân, có thể thấy hình thức mua bán nhà trên giấy sẽ đóng góp vốn trước. Vấn đề ở đây là người dân tin cậy vào lợi ích của mình, họ sẽ góp vốn.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện được những gì họ cam kết, dự án bị chậm trễ trong bàn giao và chất lượng xây dựng, hoặc đầu tư dàn trải mà không chú trọng đến chất lượng sản phẩm thì không chỉ nguy hiểm với doanh nghiệp mình khi có sự cố về tài chính mà còn làm mất đi niềm tin với khách hàng. Và như vậy, doanh nghiệp đó đã thất bại.

Rõ ràng dù đầu tư vào thị trường nào cũng cần có nền tảng vững chắc là tính thanh khoản và niềm tin vào thị trường đó. Tuy nhiên, thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian dài phát triển chộp giật và thiếu chiều sâu dẫn đến, khi có diễn biến xấu lập tức bị quay lưng, bỏ rơi. Do đó, điều thị trường đang thực sự cần là đa dạng hóa nguồn vốn nhằm chủ động hơn trong đảm bảo tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng, qua đó lấy lại niềm tin của người dân. Tuy nhiên, sự suy giảm lần này có lẽ là bài học cần thiết để đưa thị trường về giá trị thực của nó, đồng thời làm minh bạch và lành mạnh hóa hơn nữa thị trường BĐS trong tương lai.

Một nguyên nhân nữa là hệ thống tài chính BĐS chưa được hoàn thiện, kể cả đầu tư, vốn đầu tư BĐS khó khăn do hiện tượng đầu cơ, găm hàng theo tâm lý đám đông đã tác động lớn đến thị trường, đẩy thị trường hoạt động không ổn định và méo mó.

Thậm chí, để bán được hàng, nhiều đơn vị đã sử dụng “chiêu” đánh lừa khách hàng bằng những quảng cáo, truyền thông quá sự thật về dự án. Điều này khiến các nhà đầu tư càng nghi ngại và không dám bỏ tiền mua BĐS. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp cần tôn trọng nhà đầu tư hơn, tiếp thị BĐS cũng phải tôn trọng sự thật, nói được thì phải làm được. Có như vậy mới thuyết phục được người mua.
Theo Thảo Nguyên (Tầm nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.