Đánh giá của Công ty CBRE Việt Nam về tổng quan thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội quí III/2011 cho thấy, bức tranh chưa thực sự sáng sủa.


Trong khi phân khúc nhà ở bình dân thiếu thì nguồn cung căn hộ cao cấp luôn thừa. Trong ảnh: Khu ĐTM Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy . Ảnh: Quỳnh Anh

Sự ấm lên chỉ trở lại đối với phân khúc bình dân hoặc hạng trung. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng như CBRE kỳ vọng, thị trường sẽ ấm lên vào quí IV/2011 hoặc đầu quí I/2012

Phân khúc hạng trung vẫn hút khách

Theo đánh giá của CBRE, thị trường nhà ở quí III/2011 ghi nhận 1.700 căn hộ chào bán mới, khá khiêm tốn so với 17.000 căn được tung ra thị trường trong nửa đầu năm 2011. Nguyên nhân là do thị trường chậm lại vào tháng 7 âm lịch; nhà đầu tư chuyển sang kinh doanh vàng và gửi tiền vào ngân hàng; thiếu sự hiện diện của các dự án lớn; phần lớn dự án chỉ tung ra một phần nhỏ trên tổng cung của dự án… Phân khúc nhà ở hạng sang giảm giá nhẹ, khoảng 2% so với quí trước. Phân khúc bình dân và hạng trung duy trì được mức giá của quí trước. Các khu vực như Cầu Giấy, Từ Liêm, Long Biên có mức giá chào bán ổn định. Thị trường văn phòng có dấu hiệu tích cực với nhu cầu cao, diện tích cho thuê cả quí III/2011 đạt gần 13.000m2. Ghi nhận của CBRE, các tòa nhà nhỏ khu vực phía Tây với mức giá chào thuê từ 18 USD trở xuống được lấp đầy nhanh hơn.

Thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê nhu cầu chỉ tăng ở những cá nhân có ngân sách thấp, dưới 2.000 USD, tập trung vào những căn hộ có diện tích nhỏ hơn và các căn hộ người mua để cho thuê. Dự kiến tháng 11/2011, khi Keangnam đi vào hoạt động, nguồn cung lớn vói 378 căn hộ dịch vụ cho thuê sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ với những căn hộ mua để cho thuê với mức giá rất cạnh tranh.

Cũng theo ghi nhận của CBRE, phân khúc thị trường khách sạn giảm công suất trong tháng 7 và 8. Đến cuối năm 2011, đầu năm 2012, khoảng hơn 500 phòng khách sạn từ 4 sao trở lên đi vào hoạt động, sẽ gia tăng nguồn cung, cũng đồng nghĩa với việc gặp khó khăn do công suất sử dụng phòng đang có dấu hiệu giảm sút. Tuy nhiên, theo dự báo, phân khúc khách sạn 3 sao vẫn tiếp tục hấp dẫn khách do giá phòng vừa túi tiền và chi phí xây dựng thấp.

Hướng đến nhu cầu thực

Mức độ hoạt động của thị trường chịu ảnh hưởng lớn bởi nguồn tiền mặt. Việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước gần đây có thể phải mất một thời gian mới tác động đến thị trường BĐS. Vì vậy xu hướng tăng giá trong thời gian tới rất khó xảy ra, nhất là cho đến khi nền kinh tế ổn định trở lại.


Ông Nguyễn Minh Tuấn Phó Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam


Lý giải về việc phân khúc thị trường BĐS cao cấp có xu hướng giảm, phân khúc bình dân và hạng trung tiếp tục hút khách, CBRE cho rằng, những diễn biến này là hệ quả của tình hình kinh tế khó khăn, làm hạn chế lượng tiền mặt và tín dụng đầu tư vào BĐS. Thực tế hiện nay, nhu cầu đầu tư BĐS chủ yếu đến từ người mua để ở, phân khúc bình dân và hạng trung vẫn giữ được mức giá của quí trước. Tại phân khúc cao cấp, dự án tại các khu đô thị xa trung tâm thành phố ít được quan tâm hơn, mà nhà đầu tư lựa chọn những vị trí đảm bảo cuộc sống tiện ích cho gia đình.


Tại các thị trường mặt bằng bán lẻ, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ cho thuê, khách sạn… được các tổ chức và cá nhân tính toán rất cụ thể. Bởi hiện nay, người thuê có nhiều lựa chọn hơn trong việc lựa chọn địa điểm, dịch vụ ưu đãi, đàm phán điều khoản hợp đồng hấp dẫn… Điều quan trọng, trong thời điểm nền kinh tế chưa thể hồi phục, hầu hết người thuê bao giờ cũng siết chặt chi tiêu, tính đến lợi nhuận, tính đến sức mua, tính đến ở diện tích nhỏ nhưng thực sự tiện lợi… Tất cả những yếu tố này cho thấy, nguồn cung hạng sang tăng dồi dào, tỉ lệ thuê - mua ở phân khúc hạng sang chưa thể nhiều, chi tiêu của người tiêu dùng còn ở mức thấp… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chủ đầu tư.

Theo Phương Trang (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.