14/02/2020 8:23 AM
CafeLand - Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), đã đưa ra nhận định trên liên quan đến hệ luỵ trong câu chuyện rà soát, thanh tra dự án thời gian qua.

Trong năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện kế hoạch thanh tra đối với các dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là việc làm cần thiết để chống thất thoát tài sản nhà nước, tạo sự công bằng minh bạch trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, xoay quanh câu chuyện này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng, việc thanh tra các dự án phải đứng dưới nhiều yếu tố để đánh giá một cách khách quan.

Gần đây, đại diện một số doanh nghiệp đã có đơn “kêu cứu” khẩn cấp Bộ trưởng Bộ Xây dựng với mong muốn được tiếp tục phát triển dự án dang dở. Họ cho rằng quá trình rà soát chung liên quan tới dự án kéo dài dẫn đến việc chậm triển khai và phát sinh nhiều hệ quả, đặc biệt là phát sinh chi phí vốn cho đầu tư, xây dựng… Điều này gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Trong buổi công bố báo cáo thị trường gần đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch VARS, cho biết tại các đô thị lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang) và nhiều tỉnh thành trên cả nước, nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đô thị và nhà ở sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính được xác định là việc rà soát, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai tại các dự án.

Ảnh minh hoạ

Lượng giao dịch cũng sụt giảm mạnh do hệ lụy từ lượng cung sụt giảm, giá bất động sản có chiều hướng tăng, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản bị siết mạnh làm giảm lượng giao dịch từ các nhà đầu tư thứ cấp.

Bên cạnh đó, tâm lý e ngại, lo sợ từ các nhà đầu tư, người tiêu dùng khi thị trường xuất hiện nhiều dự án không phù hợp với quy định pháp luật. Trong khi đó, nguồn thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước gần như không có để giúp họ kiểm chứng.

Theo ông Đính, chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới trong năm qua đã gây ra những sức ép lớn. Việc tạm dừng dự án đang triển khai để thanh tra, rà soát... đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm ra thị trường.

“Khi một dự án phải tạm dừng triển khai để chờ thanh tra, kiểm tra và khi quá trình này kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp lâm cảnh khốn đốn vì chi phí vốn đội lên nhiều lần, lãi vay ngân hàng tăng và đặc biệt là bị mất cơ hội kinh doanh. Bên cạnh đó, cả người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh và các ngành nghề liên quan đến bất động sản cũng bị tác động”, ông Đính nhận định.

Lãnh đạo VARS cho rằng, việc rà soát là hoàn toàn đúng nhưng nếu không có giải pháp đẩy mạnh hơn, nhanh hơn thì năm 2020, tình trạng cầu nhiều cung ít vẫn còn tiếp diễn, thị trường sẽ mất ổn định. Đặc biệt, cần có giải pháp cho các dự án dang dở của doanh nghiệp. Nếu không, thị trường bất động sản năm 2020 có thể sẽ tiếp tục đi xuống hơn so với năm 2019.

Vấn đề trước mắt là cơ quan quản lý phải giải quyết hết toàn bộ những vướng mắc mà lâu nay đã được doanh nghiệp đề cập tới liên quan đến luật, pháp lý chồng chéo.

GS. Đặng Hùng Võ cũng đồng quan điểm, cho rằng việc kéo dài phê duyệt dự án sẽ làm thiếu nguồn cung trong tương lai, cộng với các hoạt động đầu cơ sẽ dẫn đến giá nhà ở tăng. Đó chính là hiểm hoạ lớn mà thị trường sẽ phải gánh chịu trong thời gian tới.

Đưa ra giải pháp chấn chỉnh thị trường, ông Võ cho rằng việc cần làm chính là sửa đổi pháp luật, cùng với đó là đưa ra các cách thức để xử lý những trường hợp hay các dự án đã có vi phạm pháp luật.

“Dù sao đi nữa, dự án đó cũng đang triển khai nên cần khung pháp luật để doanh nghiệp được triển khai tiếp. Bởi vì về bản chất, lỗi cuối cùng vẫn là do chồng chéo các bộ luật”, ông Võ nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), cũng cho rằng, thị trường hiện đang có “độ trễ”. Nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong năm 2020, dẫn đến một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể phá sản.

Đại diện HoREA đề nghị UBND TP.HCM phối hợp các cơ quan Trung ương sớm có kết luận đối với những dự án thuộc diện rà soát, thanh tra để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhân dân. Đồng thời, đề xuất xử lý vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Vị này cũng cho rằng cần kịp thời giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp; có các phương án xử lý đối với phần đất thuộc nhà nước quản lý nằm xen kẹt trong các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp; sớm giải quyết các vướng mắc về tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.