Đã có không biết bao nhiêu bản vẽ cực kỳ hoành tráng về những công trình ấn tượng, nhưng mảnh đất vàng rộng hơn 4 ha ở phía sau Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội) giờ vẫn chỉ là những ruộng rau muống.

Người dân tranh thủ canh tác trên mảnh đất dự kiến xây nhà 100 tầng. Ảnh: Ngọc Sơn

Một thời, mảnh đất này là thỏi nam châm hút các doanh nghiệp bất động sản bởi vị trí đắc địa của nó trên đường Phạm Hùng. Dù khoảng chục năm trước, nơi này chỉ có Trung tâm Hội nghị quốc gia, Khu đô thị The Manor và Siêu thị Big C là những công trình tầm cỡ, nhưng với định hướng phát triển thành trung tâm đô thị mới của Hà Nội, tuyến đường Phạm Hùng là điểm đến mà rất nhiều nhà đầu tư thèm muốn.

Đã diễn ra cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc để giành quyền phát triển lô đất có ký hiệu X2 phía sau Trung tâm Hội nghị quốc gia. Nhưng cuối cùng, các nhà đầu tư Nhật Bản mà đại diện cho liên minh này là Riviera Corporation/CSK Finance đã chiến thắng.

Lúc đó, các nhà đầu tư Nhật Bản đã thuyết phục được chính quyền Hà Nội trao cho họ dự án này, bởi dòng vốn đầu tư Nhật Bản vào Hà Nội rất lớn, trong khi những dự án khách sạn, văn phòng phục vụ các nhà đầu tư Nhật Bản lại rất ít (chỉ có khách sạn Nikko là có vốn đầu tư Nhật Bản). Đồng thời, để có được dự án này, các doanh nghiệp Nhật Bản còn đóng góp không hoàn lại vào ngân sách Thành phố 5,5 triệu USD.

Doanh nghiệp Hàn Quốc bị bật bãi khỏi dự án này chính là Keangnam Enterprise. Nhưng nghịch lý thay, dù thua cuộc, Keangnam Enterprise lại chiến thắng trong cuộc chạy đua khác và xây dựng xong tổ hợp với một toà cao ốc 72 tầng và 2 cao ốc 48 tầng ở lô đất nằm gần X2.

Còn người chiến thắng trong cuộc đua với Keangnam Enterprise giờ đây đã mất dạng. Sau khi giành được giấy phép, Riviera đã vẽ lên dự án khách sạn tới 750 phòng mang tên Hoa Sen. Nhưng chỉ hơn một năm sau khi nhận giấy phép, Riviera mới lộ diện là không có năng lực tài chính để triển khai và buộc phải trả lại dự án cho Hà Nội.

Cuộc chạy đua mới

Ngay sau khi các nhà đầu tư Nhật Bản rút lui, lại diễn ra cuộc chạy đua giành khu đất này với những cái tên như Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành, Công ty sản xuất thương mại và xây dựng Thiên Thanh và Vinaconex.

Nhưng chính quyền Hà Nội đã đặt ra những những điều kiện khá “khoai” với nhà đầu tư mới là phải đóng góp vào ngân sách Thành phố 5,5 triệu USD để trả lại cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Đồng thời, nhà đầu tư mới phải đặt cọc 25 triệu USD (bằng 10% tổng vốn đầu tư tối thiểu) sau khi có quyết định lựa chọn chủ đầu tư và nộp 100% tiền thuê đất tại thời điểm ký hợp đồng thuê đất.

Trong cuộc đua này, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc đã nhanh chân tiếp cận và nhận hồ sơ dự án từ các nhà đầu tư Nhật Bản. Doanh nghiệp này sau đó đã chơi trội khi thuê công ty thiết kế nổi tiếng thế giới là Foster and Partners (Vương quốc Anh) để đưa ra các phương án kiến trúc của dự án.

Những bản vẽ thậm chí còn hoành tráng hơn trước rất nhiều đã ra đời. Trên website của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc, dự án được đổi tên thành Diamond Rice Tower, gồm một toà nhà cao 400 m (khoảng 100 tầng), một cao ốc 320 m (khoảng 80 tầng) và một toà nhà 15 tầng. Doanh nghiệp này cũng cho biết là Dự án được được Bộ Xây dựng chấp thuận điều chỉnh chiều cao lên 400 m và chức năng tổ hợp của toà nhà.

Đất vàng bỏ hoang

Nhưng đã 5 năm trôi qua kể từ khi Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc tiếp nhận lại dự án, mảnh đất vàng vẫn bỏ hoang. Những người dân ở khu vực lân cận thì tranh thủ cơ hội canh tác trồng rau trên mảnh đất này.

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho chính quyền Hà Nội về tương lai của mảnh đất vàng này. Liệu nhà đầu tư mới có đủ năng lực để triển khai một dự án lớn đến như vậy hay không? Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu chọn không đúng chủ đầu tư như đã từng chọn Riviera/CSK Finance, dự án vẫn chỉ là bản vẽ trên giấy. Nếu nhà đầu tư mới không đủ năng lực thì Hà Nội có nên tính đến phương án đấu thầu chọn chủ đầu tư? Nếu cứ để đất vàng mãi hoang hoá thì bộ mặt đô thị vừa xấu, vừa rất lãng phí vì không thu được ngân sách, vừa không giải quyết được công ăn việc làm.

Với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, cũng như tình hình kinh doanh khó khăn của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc như mấy năm qua thì dường như khả năng những người dân sở tại vẫn được trồng rau muống sẽ còn kéo dài.

Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn CBRE, rất nhiều các toà nhà văn phòng ở Hà Nội hiện nay bỏ trống, với tỷ lệ lên đến 23% tổng diện tích cao ốc hạng A và 34% tổng diện tích cao ốc hạng B. Công ty này dự đoán, các dự án ở phía Tây Hà Nội, nơi có dự án Diamond Rice, cũng sẽ tiếp tục chịu sức ép giảm giá thuê do nguồn cung hiện tại và tương lai dồi dào. Kinh doanh khách sạn ở khu vực này cũng sẽ cạnh tranh rất khốc liệt với các dự án lớn như Grand Plaza, Crowne Plaza, JW Marriott và sắp tới là Keangnam.

Với tình hình kinh doanh không mấy khả quan, việc xây dựng một tổ hợp khủng ở phía Tây như Diamond Rice chứa đựng rất nhiều rủi ro. Bởi vậy, tương lai của dự án cao ốc chọc trời này xem ra vẫn rất mờ mịt.

Chủ đề: Đầu tư lãng phí,
Ngọc Sơn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.