Ngay từ quý II đến nay ngành thép đang rất “chật vật” vì lượng tiêu thụ trong nước sụt giảm, trong khi xuất khẩu lại đối mặt với kiện tụng. Trao đổi với Tổ Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam ông Phạm Chí Cường cho rằng nguyên nhân chính là do việc cấp phép đầu tư quá tràn lan các dự án sản xuất thép tại các địa phương trong cả nước.

Thép thì tồn kho, nhà máy hầu hết chỉ sản xuất 50-60% công suất. Liệu rằng hạ giá, và xuất khẩu có phải là biện pháp cứu cánh cho ngành thép lúc này không thưa ông?

Do giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng nên nếu giảm giá thép sẽ bị lỗ, vì vậy xuất khẩu là hướng đi mà các doanh nghiệp thép đang tính đến hiện nay. Trước đây, chúng ta chỉ xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar, nhưng bây giờ các nhà máy đã có những công nghệ hiện đại, công suất tốt, tiêu hao nhiên vật liệu ít, vì vậy các sản phẩm có tính cạnh tranh, giá thành cũng có thể xuất khẩu được sang Trung Đông, EU, đặc biệt xuất khẩu ống thép sang Mỹ, một thị trường được xem là khó tính.

Tuy nhiên, xuất đi cũng không “ngon ăn” như mọi người vẫn nghĩ. Vừa rồi Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cảnh báo chúng tôi là có khả năng Hiệp hội thép ống Hoa Kỳ sẽ dùng các biện pháp bảo hộ để kiện vì trong một thời gian ngắn chúng ta đã xuất sang một khối lượng lớn. Hiện, đang có 3 nhà máy sản xuất ống thép có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ. Còn xuất khẩu sang Inđônnêsia thì họ đã gửi đơn kiện chính thức về thép cán nguội.

“Thép thừa do qui hoạch ngành bất hợp lý”

Vậy theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng khó khăn “cả trong lẫn ngoài” của ngành thép như hiện nay?

Có thể thẳng thắn nói rằng, nguyên nhân nằm ở chỗ qui hoạch ngành thép bất hợp lý. Hiện nay cả nước có 32 dự án thép nằm ngoài qui hoạch, trong đó hơn 20 dự án là địa phương cấp sai thẩm quyền. Bởi theo qui định, nếu ngoài qui hoạch, địa phương nào muốn được cấp giấy phép xây dựng nhà máy thì phải xin ý kiến của các Bộ có liên quan như Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường và phải báo cáo với bộ Kế hoạch-Đầu tư. Thế nhưng, trên thực tế, các địa phương cứ có dự án dưới 1.500 tỷ là họ “tự động”, tức là họ được quyền cấp giấy phép đầu tư, bỏ qua một số nghị định qui định đối với những dự án ngoài qui hoạch các mà cứ áp theo qui chế cấp phép đầu tư.

Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu…là những địa phương tập trung các nhà máy thép nhiều nhất cả nước, còn các địa phương vùng sâu vùng xa cứ có chút mỏ quặng là họ làm thép như Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái…, đều có những dự án được cấp phép.

Xin nói thêm là hiện nay ngành thép đang bị phụ thuộc nhiều vào trang thiết bị của Trung Quốc, vì ham rẻ, ít tiền nên khi mua về nếu có trục trặc quan hệ với đối tác là ảnh hưởng ngay đến sản xuất. Ngay công ty của nhà nước như Tổng Công ty thép Việt Nam có hai dự án với Trung Quốc ở Thái Nguyên công suất nửa triệu tấn; và công ty thép Lào Cai cũng đang vướng mắc chuyện này.

Nhưng theo quan điểm của các địa phương thì việc “tự ý” cho cấp phép cũng là cơ hội phát triển kinh tế xã hội địa phương?

Tất nhiên, tôi không phủ nhận đó cũng là cải tiến về cấp giấy phép, đơn giản thủ tục hành chính để kêu gọi đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường đầu tư. Nhưng theo tôi cần tập trung những cái trong qui hoạch, còn những cái ngoài qui hoạch thì cần phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, Hiệp hội báo cáo tình hình lên cơ quan quản lý, nhưng vẫn chưa thấy địa phương nào bị thu hồi giấy phép.

Cũng nên ưu tiên những dự án đầu tư nào chúng ta chưa có được sản phẩm trong nước và thực sự cần thiết, để giảm bớt lượng ngoại tệ nhập khẩu về và đồng thời có nhưng biện pháp để chúng ta thúc đẩy các dự án đầu tư của nước ngoài. Đây là các dự án sử dụng nhiều diện tích đất nhưng tiến hành đầu tư rất chậm, thậm chí gây những nghi ngờ có thể họ chỉ nhận đất sau đó họ lại bán cho người khác. Nếu không có giám sát chặt chẽ thì rất khó khăn bởi vì những dự án này đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể qui hoạch phát triển thép Việt Nam.

Theo ông để “vực dậy” ngành thép trong những tháng còn lại của năm 2011 thì cần phải làm gì lúc này?

+ Thép trong nước đã dư thừa, tiêu thụ cũng khó khăn rồi, xuất khẩu cũng bị “chẹn” nên theo tôi chúng ta nên kiểm soát đầu tư có bài bản tránh việc đầu tư tràn lan. Những tháng còn lại của năm 2011 này vẫn còn nhiều thử thách đối với ngành thép, bởi ngành thép lại liên quan rất lớn đến các dự án BĐS, mà các dự án BĐS đang bị đóng băng, vì khó tiếp cận vốn vay. Do vậy rất khó dự đoán từ nay đến cuối năm thị trường thép sẽ tiêu thụ như thế nào, nhưng Hiệp hội Thép đang hy vọng các thành viên Chính phủ mới kể cả ngân hàng, cũng như bộ Tài chính và bộ Xây dựng sẽ có những cải cách cụ thể để các hoạt động sản xuất kể cả BĐS đi vào hoạt động.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất thép, đều thống nhất cố gắng điều chỉnh sản xuất thậm chí trong giai đoạn này có thể cơ cấu lại để khớp với nhu cầu, không để tồn kho lớn. Chỉ vài năm nữa, mọi chính sách bảo hộ sẽ không còn cho sản xuất ngành thép, cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, nếu các công ty thép không nỗ lực đổi mới, chắc chắn sẽ khó tồn tại./.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thành Tâm (Tổ quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.