Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 400 doanh nghiệp thép các loại, trong đó có gần 120 doanh nghiệp làm thép xây dựng, nhưng chỉ có 26 doanh nghiệp nằm trong quy hoạch. Dự kiến, công suất sản xuất của toàn ngành thép lên đến 9 triệu tấn trong khi tiêu thụ cả nước chỉ đạt gần 6 triệu tấn/năm.
Hơn nữa, một trong những lĩnh vực tiêu thụ thép lớn nhất là thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi cùng với chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ khiến lượng thép tồn kho ngày càng lớn, nhiều doanh nghiệp thép phải sản xuất cầm chừng để tồn tại, thậm chí là phá sản.
Bên cạnh đó, Thép nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN với ưu thế giá rẻ sẽ càng tạo thêm áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép trong nước. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã tính chuyện đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho nhưng hướng đi này cũng không mấy thuận lợi khi kinh tế thế giới chưa hết khó khăn cùng với những rào cản thương mại của nước sở tại, các vấn đề liên quan đến chống bán phá giá.
Theo Bộ Công Thương, ngành thép trong năm 2012 vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Do đó, để tiêu thụ được sản phẩm trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải đầu tư nghiên cứu xây dựng kế hoạch đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm giảm giá thành cũng như tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo, rà soát và quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép tại địa phương mình. Đồng thời thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của các dự án không đủ điều kiện triển khai, tránh cấp phép tràn lan gây nên tình trạng dư thừa công suất đối với các sản phẩm thép.