Theo Hiệp hội Thép VN, sản lượng phôi thép năm 2009 chỉ đạt khoảng 50% công suất. Mỗi năm, Việt Nam vẫn phải nhập khoảng 45% phôi và 80% thép phế liệu. Năm 2010, tỷ lệ này có giảm song DN vẫn phải nhập khoảng 40% phôi thép và 70% thép phế liệu.
Sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam tăng theo từng năm - Nguồn internet
Hiện nay, mức nhập siêu tăng quá nhanh, vượt xa so với định hướng kế hoạch 2001 – 2010 của Chính phủ. Trong đó, thép là một trong những ngành tiêu tốn lượng lớn ngoại tệ, tỷ lệ nhập siêu cao.
Thực tế hơn là, sau sự tăng đột biến về xuất khẩu thép vào năm 2008, đạt hơn 1,7 triệu tấn với kim ngạch hơn 1,7 tỷ USD, chủ yếu là tái xuất nguyên liệu phôi thép và thép cán nóng, xuất khẩu của VN năm 2009 đã sụt giảm đáng kể cả về kim ngạch và số lượng. Tổng lượng thép xuất khẩu của VN năm 2009 chỉ đạt trên 571.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu trên 444,4 triệu USD, trong đó, mặt hàng chính là thép xây dựng chỉ đạt trên 114.000 tấn, bằng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu Hải quan, bắt đầu từ năm 2004, Việt Nam đã nhập khẩu 154.800 tấn thép cuộn, năm 2009 thì tăng lên 496.000 tấn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thép đang cùng lúc phải đối mặt với vấn đề giá nguyên liệu tăng cao và sức ép lớn về tỷ giá giữa đồng USD và đồng Việt Nam.
Thép là một trong những ngành tiêu tốn lượng lớn ngoại tệ và có tỷ lệ nhập siêu cao - Nguồn internet
Giá phôi nguyên liệu trên thế giới hiện tương đối ổn định ở mức 600 USD/tấn, giá phế liệu ở mức 415 USD/tấn. Việc sử dụng chủ yếu đồng USD cho nhập khẩu nguyên liệu đã khiến giá thép xây dựng trong nước phụ thuộc nhiều vào tỷ giá đồng USD bởi phôi thép chiếm tỷ lệ 93% đến 94% giá thành phẩm.
Chỉ mới trong 2 tháng gần đây, biến động tỷ giá USD đã nâng chi phí đầu vào của sản xuất thép xây dựng lên khoảng 600.000 đồng/tấn. Cũng từ tháng 10 đến nay, sau 4 lần tăng giá bán để bù cho chi phí sản xuất, giá thép xây dựng đang ở mức 13.200.000 đồng tăng lên 13.850.000 đồng/tấn.
Trước tình hình này, ông Phạm Chí Cường Chủ tịch Hiệp hội Thép VN đã đề xuất, cần hạn chế tối đa việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất, cung ứng đủ như thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép hàn...; đẩy mạnh xúc tiến thương mại tới các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông...; dùng nhiều loại ngoại tệ thay thế đồng USD trong thanh toán nhập khẩu nguyên liệu. Với những giải pháp này, ông Cường hy vọng có thể làm thay đổi cán cân giữa xuất và nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu ngành thép.