CafeLand - Hiện nay, một số doanh nghiệp liên tiếp giảm giá bán, thậm chí còn khuyến mãi, tăng chiết khấu bán hàng và hỗ trợ phí vận chuyển cho khách hàng để kích cầu, nhưng sức tiêu thụ thép trên thị trường những tháng gần đây vẫn tiêu thụ chậm khiến tồn kho tăng cao.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), do sức tiêu thụ chậm nên các doanh nghiệp trong ngành tiết giảm sản xuất để tránh tồn kho cũng như đọng vốn dẫn đến sản xuất thép xây dựng trong tháng 6 đạt 280.000 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng thép đạt 2,38 triệu tấn, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước và tiêu thụ thép đạt 2,22 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 6, mức tồn kho đến 370.000 tấn thép và đây là mức tồn cao so với mức cho phép khoảng 250.000 tấn.

Ông Nghi cũng cho biết, từ đầu năm đến nay giá bán thép xây dựng trên thực tế của một số nhà sản xuất được điều chỉnh tăng, giảm dựa vào sức mua của thị trường và mức điều chỉnh thường dao động trong khoảng 100.000 - 200.000 đồng/tấn.

Hiện giá bán thép tại nhà máy, chưa tính thuế VAT của các đơn vị trực thuộc và liên doanh với Tổng công ty Thép Việt Nam ở phía Bắc dao động từ 14,7 triệu -15,2 triệu đồng/tấn đối với thép tròn cuộn và từ 14,9 triệu - 15,2 triệu đồng/tấn đối với thép cây.

Ở khu vực phía Nam, giá bán thép ổn định ở mức 15,2 triệu đến 15,5 triệu đồng/tấn đối với thép tròn cuộn và từ 15,4 triệu - 15,5 triệu đồng/tấn đối với thép cây.

Bên cạnh đó, giá thép bán lẻ ngoài thị trường ở một số địa phương giảm 200.000 đồng - 300.000 đồng/tấn, phổ biến ở mức 17,4 triệu - 18 triệu đồng/tấn ở miền Bắc và từ 17,8 triệu - 18,2 triệu đồng/tấn ở miền Nam.

Lý giải về việc giảm giá nhưng sức tiêu thụ thép sụt giảm liên tiếp này, Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, do sức tiêu thụ giảm sút chung trên thị trường thế giới trong thời gian qua khiến giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép là phôi và thép phế nhập khẩu đã giảm từ 15 - 20 USD/tấn nên giá thép sản xuất trong nước giảm theo. Bên cạnh đó, hoạt động của lĩnh vực xây dựng trong nước cũng giảm sút, hàng loạt công trình lâu nay vẫn phải thi công cầm chừng để chờ vốn và một số công trình khác giãn tiến độ thi công khiến sức tiêu thụ thép xây dựng chậm hơn trước đây.

Mặt khác, giá thép thành phẩm trong nước giảm nên một số doanh nghiệp thương mại đã tranh thủ “ôm” hàng chờ cơ hội, nhưng giá lại tiếp tục giảm khiến doanh nghiệp không bán được hàng, đẩy mức tồn kho của toàn ngành lên cao hơn.

  • Thị trường vật liệu xây dựng sẽ bớt khó khăn trong 2 quý cuối năm

    Thị trường vật liệu xây dựng sẽ bớt khó khăn trong 2 quý cuối năm

    CafeLand - Hiện nay, các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng đều phải giảm công suất hoạt động nhưng mức tiêu thụ còn thấp dẫn đến lượng hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dự báo, sức mua của thị trường này có thể khởi sắc vào 2 quý cuối năm 2012.

Thanh Trúc (Theo TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.