Các dự án sẽ hoàn thành và có khả năng bán trong năm 2012 cũng được vay vốn. Ảnh: Đức Thanh
Thủ tướng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu để có hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách tín dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trường bất động sản; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng thực sự có nhu cầu vay tiền mua nhà để ở.
Có
thể nói, chủ trương đẩy mạnh phát triển nhà dành cho người thu nhập
thấp và công nhân các khu công nghiệp thuê vào thời điểm này như “nắng
hạn gặp mưa rào”, bởi đến nay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam mới ký được
hợp đồng tín dụng cho vay đối với 9 dự án, với tổng số vốn chấp thuận
cho vay theo hợp đồng tín dụng là 1.042 tỷ đồng. Đáng chú ý là, vốn giải
ngân cho các dự án này mới đạt 320 tỷ đồng. So với nhu cầu vốn đầu tư
của hơn 700 dự án, thì số vốn này chỉ như muối bỏ biển.
TS. Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội) nhận định rằng, giải ngân tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp sẽ tạo thêm cơ hội để người dân mua nhà, giúp doanh nghiệp bất động sản giảm bớt bị áp lực phải trả nợ, đồng thời giúp thị trường có thêm xung lực.
Để
thực hiện việc này, biện pháp cụ thể là Ngân hàng Nhà nước sẽ hạn chế
cho vay đối với các dự án khởi công mới, các dự án bất động sản cao cấp,
đồng thời giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho cá nhân vay kinh doanh
bất động sản.
TS.
Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận xét rằng,
thời gian qua, phân khúc bất động sản cao cấp phát triển ồ ạt, dẫn đến
nguồn cung vượt xa cầu, nên cần phải siết lại. Đồng thời, phải khuyến
khích phát triển những phân khúc mà cầu lớn hơn cung, như thị trường nhà
giá trung bình, nhà giá rẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, một phần nguyên nhân của sự đóng băng thị trường bất động sản hiện nay là do xây dựng quá nhiều căn hộ cao cấp có diện tích lớn. Những căn hộ loại này dư thừa quá nhiều, trong khi thiếu căn hộ diện tích nhỏ. “Để giải bài toán này, cần phải xây dựng nhiều căn hộ nhỏ để tăng tính thanh khoản cho thị trường”, ông Đực nói.
Một động thái mới đáng ghi nhận tại Chỉ thị 2196/CT-TTg là độ mở của tín dụng bất động sản đã được nới rộng hơn. Trước đó, tại Công văn số 8844/NHNN-CSTT của Ngân hàng Nhà nước, chỉ những khoản vay cho dự án có hợp đồng ký với nhà thầu hoàn thành công trình trước ngày 1/2/2012 mới không bị tính vào dư nợ phi sản xuất. Nhưng tại Chỉ thị 2196/CT-TTg, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, tiếp tục cho vay đối với các dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012. Đây là một tín hiệu tích cực cho nhiều dự án đang đuối sức sau hàng loạt sức ép về vốn vay và lãi suất.
Như
vậy, chính sách nhất quán trong thời gian tới đối với tín dụng bất động
sản vẫn là giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản với lộ
trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng tính
thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu đến hệ thống các
tổ chức tín dụng và đời sống xã hội. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng
yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức
tín dụng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của
Chính phủ, bảo đảm tín dụng bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ
trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung.