16/09/2024 10:13 AM
Dây chuyền 5 nhà máy xi măng Thành Thắng công suất 2,3 triệu tấn/năm tại tỉnh Hà Nam vừa được đưa vào vận hành, với sản phẩm chính là xi măng chất lượng cao và xi măng chịu mặn bền sunfat.

Mới đây, Công ty CP xi măng Thành Thắng Group đã tổ chức lễ đót lò, đưa vào vận hành dây chuyền 5, chuyên sản xuất các sản phẩm xi măng chất lượng cao và xi măng chịu mặn bền sunfat tại tỉnh Hà Nam.

Được biết, dây chuyền 5 có công suất 2,3 triệu tấn/năm, năng suất lò nung 6.000 tấn clinker/ngày.

Dây chuyền sản xuất xi măng này được thiết kế theo phương pháp khô, với hệ thống lò quay và tháp trao đổi nhiệt 2 nhánh, 5 tầng xyclon, có buồng phân hủy, đốt 100% bằng than cám chất bốc thấp, có hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư, công suất 10MW.

Dây chuyền xi măng Thành Thắng

Trước đó, ngày 28/12/2018, 2 dây chuyền 4 và 5 của xi măng Thành Thắng với công suất mỗi dây chuyền 2,3 triệu tấn/năm đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Quy hoạch Công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, 2 dây chuyền nhà máy xi măng Thành Thắng, tỉnh Hà Nam có công suất là 2,3 triệu tấn xi măng/năm kết hợp xử lý rác thải bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm xi măng chất lượng cao, xi măng chịu mặn bền sunfat phục vụ xây dựng các công trình ven biển và hải đảo.

Thời gian đưa vào vận hành dây chuyền số 4 sau năm 2021 và dây chuyền số 5 sau năm 2025.

Việc đưa dây chuyền số 5 đi vào hoạt động không chỉ nâng cao năng lực sản xuất của xi măng Thành Thắng lên 10 triệu tấn, giúp đáp ứng sản phẩm xi măng chịu mặn bền sunfat phục vụ xây dựng các công trình ven biển và hải đảo trên cả nước.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, từ năm 2022 đến nay, sản lượng tiêu thụ xi măng liên tục sụt giảm làm cho các doanh nghiệp sản xuất gặp khó.

Hiện cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm nhưng tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn.

Tiêu thụ chậm đang là vấn đề lớn nhất của ngành xi măng, nhất là thị trường nội địa chỉ hấp thụ khoảng 60 triệu tấn sản phẩm/năm.

Do đó, VNCA đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng chỉ đạo triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, đường bê tông xi măng cốt thép thay cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai công tác xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.