Đề xuất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở như người Việt trong nước.
Sáng 23-5, tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận xét: Nhiều quy định trong luật hiện hành chưa rõ, cứng nhắc nên không khả thi (quy hoạch quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, quy định không được phép bán lại nhà ở xã hội …); một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng hiện còn thiếu quy định điều chỉnh (về phát triển nhà ở tái định cư, về huy động vốn dự án nhà ở, phát triển nhà chung cư, giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai…).
Để khắc phục những bất cập trong thực tiễn, giải quyết vướng mắc để phát triển thị trường BĐS và đảm bảo an toàn pháp lý trong giao dịch, ông Nguyễn Mạnh Hà (Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng) cho biết Bộ Xây dựng đã đề xuất một số nội dung cần sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.
Tới đây, các bên tham gia giao dịch bất động sản sẽ có cơ chế bảo vệ quyền lợi nhiều hơn theo quy định. Ảnh: HTD
Theo đó, dự kiến sửa đổi Luật Nhà ở sẽ bổ sung thêm một số quy định về hình thức giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai (chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà, góp vốn, thế chấp nhà trong các dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…); hình thức huy động tài chính cho phát triển nhà ở; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở như người Việt trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài được mở rộng điều kiện sở hữu nhà ở, loại nhà sở hữu, mở rộng quyền mua nhà (không chỉ được mua các căn hộ như hiện nay mà được mua cả nhà biệt thự và nhà ở riêng lẻ…).
Đồng thời, Luật Kinh doanh BĐS cũng sẽ bổ sung thêm quy định về cơ chế bảo vệ quyền lợi các bên tham gia giao dịch BĐS hình thành trong tương lai; về xác định quyền sở hữu trong các dự án BĐS có mục đích hỗn hợp và đa sở hữu… Hiện các dự án có mục đích sử dụng hỗn hợp (nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại) của nhiều thành phần chủ sở hữu khác nhau đang lấn cấn. Cần xác định quyền sở hữu đối với từng loại mục đích sử dụng, quyền sở hữu đối với phần sử dụng chung, làm cơ sở để các chủ sở hữu thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS lần này sẽ bổ sung cơ chế để bảo vệ việc người dân mua nhà hình thành trong tương lai, bà con gọi là nhà “trên giấy”. Có thể sẽ bổ sung quy định về quỹ bảo hiểm hợp đồng mua bán nhà (theo mô hình như Hàn Quốc). DN dự án BĐS phải trích nộp bảo hiểm huy động vốn khi người dân góp vốn mua nhà trong dự án sắp xây. Trong trường hợp DN đó phá sản hoặc tránh né trách nhiệm, tự ý dùng tiền huy động đi đầu tư dự án khác thì bảo hiểm sẽ bồi thường cho người dân đã mua nhà hình thành trong tương lai.
Hiện nay ở nhiều dự án chung cư, người dân đã nhận bàn giao nhà cả chục năm nhưng vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu (GCN). Khi chưa có GCN thì người dân không thể giao dịch, mua bán gì đối với căn nhà đó. Bởi lẽ Thông tư 16/2010/TT-BXD quy định: Nếu đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư thì phải thực hiện việc mua - bán nhà ở theo đúng thủ tục quy định của Luật Nhà ở (bên bán phải có GCN). Nếu chưa nhận bàn giao nhà thì được phép chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà, chủ đầu tư sẽ xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng này. Như vậy, cùng một căn nhà khi chưa thành hình (chưa bàn giao nhà) thì người dân được chuyển nhượng, còn khi đã thành hình thì mọi giao dịch lại bị treo. . Phóng viên: Thưa ông, tại sao cùng mua nhà “dự án” chưa được GCN, nếu nhận nhà rồi lại bị vướng thủ tục chuyển nhượng (khó hơn) so với nhà còn “trên giấy”? Có thể gỡ vướng cho người dân không? + Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Nguyễn Mạnh Hà: Chưa có nhà thì họ chỉ chuyển nhượng hợp đồng và sau này khi có nhà rồi thì vẫn phải làm thủ tục cấp GCN. Đã có quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư phải làm GCN cho người mua nhà trong thời gian tối đa là 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà cho bên mua. Nếu người mua đã nhận nhà, trách nhiệm của chủ đầu tư là phải hoàn tất giấy tờ để đảm bảo quyền sở hữu cho người mua. Luật đã quy định thủ tục mua - bán nhà thì phải tuân thủ (phải có GCN), không thể du di. Nếu không có GCN mà vẫn được mua bán hợp pháp thì nhiều người sẽ chẳng đi làm GCN, cứ giao dịch lằng nhằng như thế mãi, sẽ tái diễn tình trạng nhà không giấy tờ nhiều hơn, khó quản lý nổi. . Nhưng trên thực tế có chủ đầu tư tránh né không làm thủ tục cấp GCN cho người mua, thưa ông? + Đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, không làm tròn thì đã có quy định xử phạt rõ ràng. Thậm chí họ sẽ bị chế tài sau này không cho phép làm chủ đầu tư các dự án mới. Quy định đã có rồi, vấn đề là thực thi thế nào, có nghiêm không? Không có chế tài thì không quản lý được. |