Sụt giảm hơn 50% so với thời kỳ đỉnh cao và vẫn tiếp tục lao dốc, cổ phiếu nhỏ đang là cơn ác mộng của nhiều nhà đầu tư. Mức độ thiệt hại mà họ gánh chịu lớn hơn rất nhiều lần tỷ lệ giảm của giá cổ phiếu.

Anh Hà - một nhà đầu tư ở Hà Nội, mua MCV ở thời kỳ gần đỉnh với mức giá bình quân khoảng 32.300 đồng một cổ phiếu. Tuy nhiên, ở thời điểm đỉnh của MCV là 37.700 đồng, anh Hà vẫn chưa bán. Cũng vì thế, khi MCV tụt dốc 4 phiên liên tục vào giữa tháng 5, anh Hà mất trắng toàn bộ số tiền (gần 300 triệu đồng) đầu tư dù MCV chỉ giảm khoảng hơn 30%.

Trong cơn say cuồng penny, anh đã sử dụng đòn bẩy tài chính của công ty chứng khoán với tỷ lệ 3:7 (3 đồng tiền thật, 7 đồng đi vay). Cũng vì thế, giá cổ phiếu chỉ cần giảm khoảng 3 phiên sàn là công ty chứng khoán đã báo động đỏ. Nếu bán giải chấp, anh Hà mất toàn bộ số tiền chứ không phải 30% như các nhà đầu tư khác.

Nhiều nhà đầu tư có nguy cơ nếm trái đắng với cổ phiếu nhỏ. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong giới đầu cơ penny, chuyện thua lỗ và trắng tay như anh Hà khá phổ biến trong thời gian gần đây. Do tình hình thị trường không sáng sủa nhưng giá của nhiều cổ phiếu đã giảm rất mạnh và được nhiều chuyên gia chứng khoán đánh giá là hấp dẫn nên không ít nhà đầu tư từng thua lỗ vì penny muốn “làm lại”. Một số người vẫn còn khả năng chịu đựng, nộp thêm tiền và chưa bị bán giải chấp đã cố gắng mua thêm để bình quân giá. Thế nhưng, bất chấp các dự báo về đáy của thị trường, giá của nhiều penny vẫn lao dốc mà chưa có điểm dừng.

Trong số các penny “danh tiếng” nhất trước đây, PVA đứng đầu bảng. Vào thời điểm hiện tại, cổ phiếu này trở thành một cơn ác mộng với không ít người. Thời cao điểm vào tháng 5, giá PVA có lúc đạt gần 120.000 đồng một cổ phiếu. Còn chốt phiên ngày 27/8, giá chỉ còn 36.000 đồng (giảm 70%). Đây là penny dẫn đầu về tốc độ tụt dốc trong thời gian gần đây.

Một vài thành viên chủ chốt từng “lái” PVA những tháng trước giờ đang khóc dở mếu dở với chính “ông hoàng penny” này. Giá tụt dốc cộng với việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, PVA là một điển hình của việc “đội lái” (những nhà đầu tư chuyên làm giá cổ phiếu) lĩnh đủ.

Bên cạnh PVA, nhiều penny từng một thời làm mưa làm gió giờ cũng lâm vào cảnh cực kỳ bi đát. Kéo theo đó là những vụ thua lỗ nặng nề của những người say mê “đánh bạc” cùng cổ phiếu nhỏ.

Lúc sốt nhất vào tháng 5, VSP có giá 64.000 đồng thì ngày 27/8 chỉ còn 28.900 đồng (giảm 55%); PVC giảm từ 62.100 đồng (6/5) còn 22.800 đồng (27/8- giảm 63%); PTC giảm từ 25.400 (7/5) xuống 11.300 đồng (ngày 27/8 - giảm 56%); MCG giảm 57.260 (6/5) xuống 24.400 đồng (ngày 27/8 - giảm 57%)…

Anh Hùng, một nhà đầu tư cỡ bự tại Hà Nội đã phải cắn răng bán toàn bộ VSP vào giữa tháng 8, sau khi đã mua thêm vào đầu tháng để bình quân giá. Nhà đầu tư này cho biết: “Khả năng thị trường chưa thể lên mạnh trong tháng tới mà các loại cổ phiếu có tính đầu cơ cao sẽ tiếp tục giảm giá nên cắt lỗ còn hơn là ‘ôm bom’ để rồi mất trắng vì đòn bẩy tài chính”.

Nhận xét về hiện tượng penny lao dốc không ngừng trong 2 tháng gần đây, ông Nguyễn Quang Bảo - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt nói, khi cổ phiếu tăng liên tục mà không cần các lý do cơ bản thì khi xuống cũng sẽ như vậy. Những nhà đầu tư từng chấp nhận đánh cược lớn với penny sẽ phải đối mặt với rủi ro mà các cổ phiếu này đưa đến cùng với đòn bẩy tài chính. Chuyên gia này cho rằng, việc đoán đáy đối với các cổ phiếu bị làm giá là rất khó bởi về mặt bản chất nhà đầu tư không mua bán các chứng khoán này dựa theo các phân tích cơ bản.

Cafeland.vn - theo Khánh Linh ( VnEpress )

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland