Ngày 31/7/2019, ông Tạ Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Đà 1.01 đã ký ban hành Nghị Quyết số 08/2019/NQ-HĐQT về việc thống nhất chuyển nhượng dự án Eco Green Tower – số 1, Giáp Nhị (Hoàng Mai, Hà Nội) cho công ty TNHH thương mại và đầu tư bất động sản Bình Minh.
Theo đó, Sông Đà 1.01 sẽ chuyển nhượng cho Công ty Bình Minh toàn bộ thương phẩm còn lại và các quyền khai thác tại dự án Eco Green Tower bao gồm: toàn bộ các căn hộ được chào bán cho người mua (tổng diện tích khoảng 16.171m2 sàn thông thuỷ),toàn bộ diện tích sàn thương mại thuộc sở hữu và/hoặc phân chia cho Sông Đà 1.01 (khoảng 1.708m2), toàn bộ diện tích để xe và/hoặc quyền khai thác sàn để xe và các quyền khai thác dịch vụ khác tại dự án thuộc sở hữu và/ hoặc phân chia cho Sông Đà 1.01.
Theo ghi nhận, tại công trường, các tấm biển quanh dự án này đã được đổi tên thành Viễn Đông Star thuộc chủ đầu tư là Tập đoàn công nghiệp Viễn Đông. Tuy nhiên, công trường vẫn "cửa đóng then cài", không có dấu hiệu thi công.
Điểm đáng lưu ý là tên chủ đầu tư ghi tại các tấm biển mới quanh dự án không trùng với tên chủ đầu tư được chuyển nhượng lại. Qua tìm hiểu cũng không thấy thông tin liên quan giữa hai doanh nghiệp này, ngoài việc đều có trụ sở ở 36 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP.Hà Nội.
Dự án Eco Green Tower đã được đổi tên thành Viễn Đông Star.
Trước đó, như CafeLand đã thông tin, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Eco Green Tower đã phản ánh về việc dự án này chậm tiến độ và vấn đề liên quan đến bảo lãnh ngân hàng.
Cụ thể, tháng 6/2018, chủ đầu tư đã có thông báo về việc chậm bàn giao căn hộ tại dự án Eco Green Tower Giáp Nhị và cam kết đến ngày 31/8/2018 sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng, không chậm quá 90 ngày. Sau 180 ngày kể từ thời điểm dự kiến bàn giao mà bên bán không bàn giao được thì bên mua có quyền đề nghị chấm dứt hợp đồng, bên bán phải hoàn tiền mua căn hộ cho bên mua và bị phạt vi phạm 10% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn không thực hiện cam kết trên.
Khách hàng đã nhiều lần gửi đơn cho chủ đầu tư Sông Đà 1.01 và TPBank yêu cầu giao nhà đúng cam kết và hỗ trợ từ phía ngân hàng bảo lãnh, nhưng không được thực hiện.
Trong thông cáo báo chí mới đây, TPBank cho biết, theo quy định, ngân hàng được phép có hợp đồng cấp hạn mức bảo lãnh cho chủ đầu tư, với bên nhận bảo lãnh được xác định theo từng lần cụ thể.
Thực hiện đúng quy định, các ngân hàng có ký thoả thuận cấp hạn mức bảo lãnh với chủ đầu tư để bảo lãnh cho người mua nhà. Sau đó, trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư và bên mua, ngân hàng sẽ phát hành cam kết bảo lãnh riêng cho từng bên mua, và ngân hàng sẽ có trách nhiệm hoàn trả cho người mua nhà trên cơ sở văn bản cam kết bảo lãnh đã phát hành cho từng người mua, trong trường hợp chủ đầu tư không giao nhà theo đúng thoả thuận.
Trường hợp bên mua căn hộ coi nhẹ vấn đề pháp lý, hoặc do muốn tiết kiệm chi phí bảo lãnh phát sinh, không yêu cầu chủ đầu tư phải có thư cam kết bảo lãnh cho mình thì quan hệ bảo lãnh chưa phát sinh giữa người mua căn hộ và ngân hàng.
“Do vậy, nếu bên mua, vì lý do nào đó mà không có được văn bản cam kết bảo lãnh bản gốc của ngân hàng phát hành cho riêng mình, thì không thể đòi ngân hàng trả tiền bảo lãnh”, đại diện ngân hàng cho biết.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, trong vụ việc này, ngân hàng cho rằng, chỉ khi phát hành thư bảo lãnh cho từng người mua mới phát sinh quan hệ bảo lãnh là hoàn toàn không đúng quy định pháp luật.
Luật sư Phượng cho hay, việc người mua không nhận được thư bảo lãnh có nguyên nhân là lỗi của chủ đầu tư (không gửi hợp đồng mua nhà đến ngân hàng), lỗi và sự thiếu trách nhiệm của ngân hàng trong việc bảo đảm và giám sát tài khoản ngân hàng, tài sản bảo đảm.
“Không thể có chuyện ngân hàng giám sát mà khoản tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng không biết tiền gì”, luật sư Phượng khẳng định.
Theo luật sư Phượng, trong trường hợp này, khách hàng có thể kiện ngân hàng,yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo thỏa thuận bảo lãnh (giữa ngân hàng và chủ đầu tư) với tư cách là người nhận bảo lãnh tại tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình.
Dự án Eco Green gồm mộttòa nhà cao 28 tầng,với một tầng hầm và khối đế bảytầng trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng trên tổng diện tích sàn xây dựng 43.680 m2. Dự án được triển khai thi công từ tháng 12/2015, nhưng đến tháng 1/2018 bỗng dừng thi công. |
-
Eco Green “vỡ trận”, cư dân có thể kiện ngân hàng
CafeLand - Nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư Eco Green Tower Giáp Nhị (Hoàng Mai, Hà Nội) đề nghị ngân hàng bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ của mình sau khi chủ đầu tư không có khả năng giao nhà. Tuy nhiên, ngân hàng bảo lãnh nói rằng, nếu bên mua, vì lý do nào đó mà không có được văn bản cam kết bảo lãnh bản gốc của ngân hàng phát hành cho riêng mình, thì không thể đòi ngân hàng trả tiền bảo lãnh.
-
Giấc mơ “an cư lạc nghiệp” ở Thủ đô của người xa xứ
Tại Thủ đô, đôi mắt người xa xứ vẫn miệt mài tìm khu đất lành “bén rễ đâm chồi” ổn định cuộc sống, phát triển tương lai. Nhưng thị trường bất động sản nội đô chuyển dịch liên tục, đâu là điểm dừng chân lý tưởng cho người xa xứ an cư?...