Vàng thế giới đi ngang, trong nước bị "buông"
Một lần nữa, thị trường chứng khoán Mỹ nhận được cái nhìn có triển vọng trong năm 2012. Một khảo sát của hãng thông tấn tài chính Bloomberg vào đầu tháng 5/2012 cho thấy chỉ số S&P 500 được dự báo sẽ tăng lên mức 1.569,74 điểm. Trong khi đó, mức cao nhất đạt được hồi tháng 10/2007 là 1.565,15 điểm.
Tuy vậy, vẫn tồn tại những đánh giá trái chiều. Barry Knapp, trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu tại Barclays Plc cho rằng chỉ số S&P 500 sẽ giảm xuống mức 1.330 điểm vào cuối năm nay. Trong khi đó, Gina Martin Adams, chiến lược gia chứng khoán tại Wells Fargo & Co., cũng cho rằng chỉ số này sẽ giảm xuống còn 1.360 điểm khi Fed kết thúc chương trình Operation Twist - kế hoạch hoán đổi 400 tỷ USD nợ ngắn hạn bằng chứng khoán dài hạn để có thể gia tăng thời gian đáo hạn trung bình.
Với cách đánh giá lạc quan nhất, các chiến lược gia tính toán trên các đánh giá về nền kinh tế cũng cho rằng mức tăng chứng khoán 12% của năm nay đã là tất cả những gì mà các nhà đầu tư có được. Cần nhớ lại rằng vào cuối năm ngoái, cũng giới chuyên gia này đã không thể đưa ra một dự báo nào khả quan như tình hình hiện nay.
Có vẻ như xu thế chung đang ủng hộ cho sự hồi phục, dù còn tương đối chậm chạp, của nền kinh tế Mỹ. Lượng người đăng ký thất nghiệp giảm dần đều, cùng với tốc độ thất nghiệp được giữ nguyên ở mức 8,1% là một minh chứng khá rõ rệt cho điều đó. Nhiệm kỳ 4 năm của đương kim tổng thống Obama đã đạt được một thành công an ủi khi tỷ lệ thất nghiệp được kéo giảm hơn 1%, trong khi trước đó xã hội Mỹ đã luôn lo lắng với tỷ lệ này có thể tăng vọt đến trên 10%.
Trên các thị trường đầu cơ, mối tương quan giữa giá vàng và giá chứng khoán cũng phản ánh một thực trạng rõ nét về hiện trạng bong bóng vàng đang bị xẹp bớt. Trong suốt thời gian từ tháng 10/2011 đến nay, trong khi chỉ số chứng khoán Nasdaq tăng đến 25% thì giá vàng vẫn giữ nguyên vùng dao động 1.600-1.700 USD/oz. Thế đi ngang mệt mỏi của giá vàng đã làm cho hầu hết các hãng buôn bán vàng lớn nhất thế giới, mà tiêu biểu là quỹ tín thác vàng SPDR, phải duy trì động thái mua bán khá cân bằng. Ít ra, câu chuyện mua ròng của SPDR đã không còn tái diễn một cách sôi nổi như vào giữa năm trước.
Trong bối cảnh đó, giá vàng ở Việt Nam cũng không khá hơn gì. Từ đầu năm 2012, đã có những dấu hiệu lộ rõ về việc các nhóm đầu cơ trong nước bắt đầu "buông" vàng. Không thể cầm cự được ở vùng giá 46-47 triệu đồng/lượng, giá vàng đã tuột dần về các mức giá thấp hơn. Và cho dù SJC vẫn còn được duy trì như một thương hiệu vàng mang tính độc quyền tương đối, các thương hiệu vàng "thứ cấp" khác như Rồng Thăng Long, AAA... lại duy trì được thói quen xếp sau vàng SJC đến cả triệu đồng cho mỗi lượng.
Cũng bởi thế, gần đây trên thị trường đầu cơ Việt Nam đã xuất hiện thông tin có những khách hàng lớn đã bán ra đến 1.000 - 2.000 lượng. Mặc dù thông tin này mới xuất hiện, nhưng người ta cũng thừa hiểu đó chẳng qua là một sự xác nhận cho xu thế bán ròng của các công ty và ngân hàng kinh doanh vàng suốt trong ít nhất nửa năm qua.
"Biến vàng thành tiền"
Tiền từ vàng đã dịch chuyển đi đâu?. Trong khi chứng khoán Việt Nam đã có được mức tăng ấn tượng đến gần 50% kể từ đầu năm 2012 đến nay liệu có thể dòng tiền đã chuyển từ kênh vàng vào cổ phiếu, tạo ta những xung chấn khá quyết liệt mà giúp cho mặt bằng giá cổ phiếu được nâng lên, kèm theo những tỷ lệ lợi nhuận vượt quá mơ ước cho các nhóm đầu cơ.
Vàng không còn là kênh đầu tư an toàn nữa - điều có thể được xác nhận từ ít nhất nửa năm qua. Thậm chí ngược lại, đó là một thứ tài sản chất chứa độ rủi ro khá cao. Bất chấp một số dự đoán của SPDR hay Morgan Stanley về giá vàng thế giới có thể chạm mốc 2.000 USD/oz và cuối năm 2012, giới đầu tư vàng vẫn nhìn thấy triển vọng thật khó để giá vàng tái lập mốc đỉnh 1.923 USD/oz của nó được lập vào tháng 8/2011.
Đó cũng là một nguồn cơn đối với hiện hữu và trong tương lai gần mà có thể khiến giá vàng trong nước trôi về vùng giá 37-38 triệu đồng/lượng. Sau vài quý tạo ra ra sự cách biệt đến 3-4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, giá vàng Việt Nam đã chỉ còn giữ được khoảng cách đầu cơ trên 1 triệu đồng/lượng. Mà cách biệt này lại không có cơ sở nào được coi là bền vững, trong khi có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào.
Sự trái ngược về không khí giao dịch giữa các cửa hàng kinh doanh vàng và sàn giao dịch chứng khoán càng cho thấy rõ hơn hệ quả phải xảy ra. Từ đây đến cuối năm 2012, các tổ chức kinh doanh vàng vẫn được nới thời gian để tự chuyển đổi, trước khi chấm dứt huy động vàng. Nhưng có lẽ vào cuối quý 1/2012, những tổ chức kinh doanh vàng lớn nhất ở Việt Nam đã hoàn tất chu trình của phản ứng hóa học "biến vàng thành tiền" để tập trung nguồn lực cho những kênh đầu tư khác mang lại lợi nhuận dồi dào hơn.
Cứ nhìn vào xu thế của vàng cũng sẽ không khó để dự đoán về đà đi lên của giá chứng khoán. Những chiến lược gia của Phố Wall đang tiếp tục kỳ vọng không chỉ năm nay mà cả năm 2013, thị trường chứng khoán Mỹ và Tây Âu sẽ tiếp tục những chuyển biến tích cực. Xu thế này lại là một hỗ trợ căn bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam, ít ra về mặt tâm lý.
Thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5/2012 đã chứng kiến một bước chuyển giai đoạn trên thị trường cổ phiếu Việt Nam. Được đánh giá là có mức tăng ấn tượng thứ hai trên thế giới từ đầu năm đến nay, chỉ xếp sau chỉ số chứng khoán của Ai Cập, giá chứng khoán Việt Nam vẫn được xem là còn quá rẻ. Có thể, bây giờ mới là thời điểm mà nhiều tổ chức và doanh nghiệp mới thật sự chú ý đến tính hấp dẫn về lợi nhuận của thị trường chứng khoán, cho dù xác suất rủi ro của nó cũng cao không kém.