Ngày 8-9, Thường trực HĐND TP HCM tổ chức phiên họp giải trình về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (viết tắt GCN) kể từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến nay.
109.251 trường hợp chưa được cấp GCN
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho biết tính đến nay, toàn TP đã cấp 1.480.643 GCN. Hiện còn 109.251 trường hợp tồn đọng chưa được cấp GCN do không đủ điều kiện, như: chuyển nhượng bằng giấy tay (37.466 trường hợp, chiếm tỉ lệ nhiều nhất: 42,3%); lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch (17.543 trường hợp); vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng chưa được xử lý và một số vướng mắc khác: giấy tờ nguồn gốc quá trình sử dụng đất không rõ ràng, giao đất trái thẩm quyền, chưa xác định đầy đủ các thừa kế, nhận chuyển nhượng nhà, đất của người được bố trí tái định cư mà chưa hoàn thành thủ tục, có tranh chấp… Đặc biệt, có 20.586 trường hợp (chiếm tỉ lệ 30%) đủ điều kiện cấp GCN nhưng người dân không có nhu cầu.
Người dân khu dân cư Bắc Lương Bèo (quận Bình Tân) mua đất, làm nhà từ năm 2001 đến nay nhưng vẫn chưa được cấp GCN
Tại phiên họp, nhiều đại biểu HĐND TP cho biết còn rất nhiều dự án nhà ở dù người dân đã vào ở hơn 10 năm và thực hiện xong nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng đối với chủ đầu tư nhưng vẫn chưa được cấp GCN, gây khó khăn trong việc mua bán, tặng cho, thế chấp để vay vốn làm ăn… Điển hình là khu dân cư Bắc Lương Bèo (quận Bình Tân); 35 hộ dân ở tổ dân phố 54C, khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12 thuộc dự án khu dân cư phường Tân Thới Nhất; 27 hộ dân thuộc dự án khu dân cư Bình Trưng Đông, quận 2; các hộ dân thuộc dự án khu dân cư Phú Lâm C mở rộng…
Bảo đảm lợi ích người dân
Để giải quyết cấp GCN cho các trường hợp tồn đọng, Sở TN-MT đã trình UBND TP các giải pháp sau:
Đối với trường hợp mua bán bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004, Sở TN-MT đã kiến nghị, được Bộ TN-MT thống nhất đưa vào dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trong đó mở rộng phạm vi thời hạn đối với những trường hợp mua bán bằng giấy tay đến trước ngày 1-1-2008 (thay vì trước ngày 1-7-2004); đồng thời kiến nghị Bộ TN-MT xem xét giải quyết dứt điểm các trường hợp mua bán giấy tay còn lại đến trước ngày 1-7-2014 (ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực).
Trường hợp sử dụng đất sau quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch nên không đủ điều kiện cấp GCN, hiện đa số các quy hoạch chưa được triển khai thực hiện, chưa có thông báo thu hồi đất và người dân đang sinh sống ổn định tạo thành khu dân cư, Sở TN-MT kiến nghị UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) rà soát, kiểm tra các khu vực có quy hoạch kéo dài nhưng chưa thực hiện để xem xét điều chỉnh hoặc hủy bỏ theo thẩm quyền. Đồng thời, giao Sở Xây dựng xem xét các trường hợp vi phạm xây dựng (không phép, sai phép…) có đủ điều kiện được tồn tại để xem xét cấp GCN. Giai đoạn 2010 - 2015, Sở TN-MT đã rà soát 1.200 dự án và thu hồi 541 dự án không khả thi, cấp 25.000 GCN trong những dự án đã thu hồi.
Trường hợp người dân không có nhu cầu cấp GCN, Sở TN-MT đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân biết rõ nhằm xác định được đúng diện, đúng thời điểm sử dụng đất thực tế… để vận dụng đầy đủ chính sách về miễn, giảm tiền sử dụng đất khi cấp GCN.
Kết luận phiên họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, nêu quan điểm những trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay chưa được cấp GCN, Thường trực HĐND TP tiếp tục làm việc với UBND TP để rà soát kỹ, tháo gỡ hoặc kiến nghị Bộ TN-MT, Chính phủ. Về những trường hợp không phù hợp quy hoạch, HĐND TP sẽ tiếp tục giám sát việc triển khai Nghị quyết 16, yêu cầu Sở QH-KT cùng các quận, huyện rà soát, kiểm tra các dự án, nếu không phù hợp thì mạnh dạn thu hồi. Về tỉ lệ chậm giải quyết hồ sơ còn cao, bà Tâm đề nghị Sở TM-MT phải đổi mới và ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian.
Làm rõ từng trường hợp Tại cuộc họp, Sở TN-MT còn đề nghị với các dự án mà chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước nhưng người dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, sở sẽ kết hợp với địa phương làm rõ từng trường hợp, giải quyết cấp GCN cho người dân. Với các dự án mà hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh trong khi chủ đầu tư không còn nữa, sẽ phối hợp với các sở-ngành liên quan kiểm tra, rà soát, bàn với người dân để tìm cách giải quyết. Về công trình nhà ở nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt và công bố nhưng chưa thu hồi đất, cơ quan nhà nước đã xem xét cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, người dân đã xây nhà và quá thời hạn quy hoạch, Sở Xây dựng đề nghị nên cấp GCN vì vừa có lợi cho nhà nước trong quản lý vừa bảo đảm quyền lợi của người dân. |