Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Giang tiếp tục đề xuất Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, thiếu đồng bộ liên quan đến các dự án BT.

Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương diễn ra hôm nay (28/12) đã ghi nhận nhiều kiến nghị của nhiều địa phương liên quan đến các dự án BT.

Sau Hải Phòng kêu khó với Thủ tướng Chính phủ do không thanh toán được hợp đồng BT, nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Giang tiếp tục đề xuất Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, thiếu đồng bộ trong triển khai các dự án đầu tư theo hình thức theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).

Nhiều địa phương bức xúc nêu vấn đề BT với Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chinh phủ sớm ban hành Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức BT và Nghị định thay thế Nghị định 24 - quy định tổ chức thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và Nghị định 37 - quy định tổ chức thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện để các địa phương sớm triển khai thực hiện.

Ông Bùi Văn Hải, Bí Thư tỉnh ủy Bắc Giang cũng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định mới để giải quyết những vấn đề liên quan đến các dự án BT.

"Chúng tôi cũng triển khai nhiều dự án BT. Trong đó, có dự án đã hoàn thành xong cách đây 4 tháng, trị giá trên 1.000 tỷ, nhưng đến nay vẫn chưa giao được đất cho các nhà đầu tư. Đây là vấn đề rất khó khăn”, ông Bùi Văn Hải nói.

Ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3515/BTC-QLCS hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công như sau: “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành”.

BT là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư để xây dựng công trình hạ tầng. Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác.

Trước những kiến nghị bức xúc của nhiều địa phương liên quan đến dự án BT, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để triển khai thực hiện Luật quản lý tài sản công, ngày từ năm 2017, Bộ Tài chính đã tích cực nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị định, trong đó, hiện vẫn còn Nghị định về BT. Nghị định này về cơ bản đã xong.

Dự án xây dựng cầu Đế Võng - một trong những dự án BT gây xôn xao dư luận ở Quảng Nam.

“Nghị định BT ngày 6/10/2017, chúng tôi đã trình Chính phủ. Trong năm qua, Bộ Tài chính có những báo cáo giải trình tiếp thu. Chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tạm ngừng thanh toán hợp đồng BT. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, rất phức tạp và rất dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, hiện có một loạt trường hợp sai phạm liên quan đến BT đang được xử lý. Trên cơ sở tiếp thu giải trình của Bộ Tài chính, Chính phủ cũng đã ba lần lấy ý kiến của Thủ tướng. Bộ Tài chính hiện đã hoàn chỉnh hết dự thảo Nghị định theo chỉ định đạo của Chính phủ và Thủ tướng, cũng như Nghị quyết về hướng dẫn chuyển tiếp trong thời gian khoảng trống pháp lý

Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
Trần Ngọc-Hoàng Lê (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.