Tính đến hết Quý 2/2013, trên phạm vi cả nước mới có 126 trường hợp người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet
Tuy nhiên, quy định về điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của các đối tượng này còn hạn chế, trình tự thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cũng còn nhiều khó khăn nên dẫn đến thực tế là hiện nay, số lượng người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam rất ít.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương gửi Bộ Xây dựng, tính đến hết Quý 2/2013, sau gần 05 năm thực hiện thí điểm cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trên phạm vi cả nước mới có 126 trường hợp người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, trong đó, chủ yếu là các cá nhân nước ngoài với khoảng 80% số trường hợp còn các doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm khoảng 20% số trường hợp. Như vậy, so với khoảng 100 ngàn người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cùng với hàng ngàn các doanh nghiệp FDI thì con số trên quả thực vô cùng nhỏ bé.
Như đã phân tích trong bài viết trước, để được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện khắt khe. Theo quan điểm của người viết, một số điều kiện này nhìn chung là không phù hợp. Chẳng hạn như việc cho phép người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam được mua nhà thực ra là không cần thiết. Bởi vì, nếu đã kết hôn với người Việt Nam thì nhu cầu về nhà ở của những đối tượng này sẽ không còn cao như những người khác (do đã có nhà của vợ/chồng). Hơn nữa, vợ/chồng của người nước ngoài hoàn toàn có thể tự đứng ra mua nhà mà nhà này vẫn được xem là tài sản chung (theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình), mặc dù trên giấy tờ pháp lý, người nước ngoài không có đứng tên.
Hay chẳng hạn như đối tượng “Người có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương”. Đối tượng này có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì vậy, quy định này thực sự chỉ mang tính hình thức.
Hơn nữa, việc giới hạn người nước ngoài chỉ được mua nhà ở thương mại là căn hộ chung cư trong các dự án nhà ở thương mại cũng gây rào cản đối với nhu cầu mua nhà của các đối tượng này. Bởi vì, thực trạng nhà ở chung cư trong thời gian qua có rất nhiều vấn đề về chất lượng, dịch vụ quản lý vận hành hay điển hình là các tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân về sở hữu chung, sở hữu riêng gây bức xúc cho người mua nhà. Bản thân nhiều người Việt Nam còn ngại ngần khi lựa chọn mua căn hộ chung cư nên việc người nước ngoài cân nhắc khi có ý định mua nhà cũng là điều dễ hiểu.
Mặc dù hạn chế về đối tượng được mua cũng như đặt ra những yêu cầu khắt khe nhưng khi đã mua được thì những đối tượng này lại bị hạn chế một số các quyền liên quan. Cụ thể như: bị giới hạn thời gian sở hữu; chỉ được dùng nhà ở vào mục đích để ở, không được dùng để cho thuê, làm văn phòng hoặc sử dụng vào mục đích khác; chỉ được Bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Vì vậy, thực tế là không có nhiều người nước ngoài cũng như người Việt Nam định cư ở nước ngoài hào hứng với việc mua nhà tại Việt Nam.
Xuất phát từ thực tế trên và nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường bất động sản, hiện nay, Bộ Xây dựng đang đề xuất với Chính phủ về việc mở rộng đối tượng được mua nhà tại Việt Nam. Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất tất cả các đối tượng được cấp visa vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên có thể được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, số lượng nhà ở được mua không bị hạn chế hoặc cá nhân nước ngoài được phép sở hữu không quá hai căn hộ, nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề). Hơn nữa, để thu hút các đối tượng này mua nhà, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất điều chỉnh một số vấn đề liên quan như không hạn chế phạm vi nhà ở được mua phải là căn hộ chung cư trong dự án nhà ở thương mại như trước mà mở rộng ra cả biệt thự, nhà ở liên kề … Về thời hạn sở hữu, có thể là 70 năm (không được gia hạn) hoặc là 50 năm và được gia hạn thêm tối đa 50 năm. Về quyền của chủ sở hữu, cho phép cá nhân nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư (bên bán nhà ở) cho thuê, khai thác, sử dụng nhà ở đã mua (cho thuê để ở hoặc sử dụng vào mục đích khác mà pháp luật không cấm)…
Theo quan điểm của người viết thì các đề xuất như trên của Bộ Xây dựng là hợp lý và phù hợp với thực tế pháp luật của nhiều nước trên thế giới hiện nay. Việc này sẽ tạo điều kiện đáng kể cho sự phát triển của thị trường bất động sản, đồng thời, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, để việc này vừa hợp lý (đáp ứng được nhu cầu, giải quyết được một phần khó khăn cho thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung) lại vừa hợp pháp (tuân thủ đúng các quy định của hiến pháp và pháp luật) thì cần lưu ý xử lý tốt giữa vấn đề mua và sở hữu nhà ở với vấn đề sở hữu đất đai theo đúng quy định của pháp luật (người nước ngoài không được giao đất mà chỉ được thuê đất).