Hàng loạt biệt thự được xây dựng trên đất nông nghiệp tại Đầm Trị (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã vào tầm ngắm thanh tra.
Biệt thự không phép ở khu Đầm Trị, Hồ Tây rất bề thế và có thiết kế khá công phu - Ảnh: Trí Lâm
Những năm gần đây, khu vực ven hồ Đầm Trị, xóm Chùa, phường Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội) mọc lên hàng loạt biệt thự bề thế, nguy nga trên đất nông nghiệp. Đáng nói, tình trạng lấn hồ Đầm Trị, xây công trình kiên cố đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn lọt qua sự kiểm soát của chính quyền địa phương.
Theo quan sát của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, hàng loạt biệt thự ở khu vực này vô cùng bề thế, có diện tích hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông và được trang trí họa tiết công phu, đẹp mắt. Điều lạ là giá đất của khu vực này khá rẻ, chỉ khoảng 50-80 triệu đồng/m2, trong khi với vị trí đắc địa như khu vực này, giá đất ước tính phải lên tới hàng trăm triệu đồng.
Một trong số những căn biệt thự không phép ở Hồ Tây - Ảnh:Trí Lâm
Ông Ngô Văn Sình, người trông coi hồ Đầm Trị cho biết, khu vực này là đất nông nghiệp, trước giao cho các xã viên. Hồ Đầm Trị ngày xưa rất rộng nhưng những năm gần đây đã bị thu hẹp rất nhiều.
Nói về việc các biệt thự “ngang nhiên” mọc trên đất nông nghiệp vẫn không bị xử lý, nhiều người dân cho rằng có dấu hiệu bảo kê khi người dân khu vực có nhà nào xây là chính quyền đều biết, nếu chưa xin phép thì cán bộ đến nhà xử lý, bắt dừng lại, thậm chí phá dỡ. Tuy nhiên, với hàng loạt biệt thự hoành tráng, xây dựng rầm rộ trong nhiều tháng trời thì lại bình an vô sự.
Cũng theo người dân chia sẻ, ngày 15.6 vừa qua,UBND phường Quảng An đã tổ chức tháo dỡ một công trình không phép với quy mô nhỏ hơn rất nhiều, chủ nhân là bà Nguyễn Thị Lợi.
Thừa nhận các biệt thự được xây trên đất nông nghiệp, ông Đặng Văn Hồi, Phó chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ) chia sẻ với báo chí rằng: “Không phải chúng tôi không biết những công trình không phép này xây dựng, mà đây là do công tác xử lý chậm, và cán bộ không phát hiện kịp thời. Việc này thì Đảng ủy hội đồng ủy ban cũng đã có buổi khảo sát trên toàn địa bàn, chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch xử lý từng ao hồ một, trong đó có ao hồ Đầm Trị trong năm 2017-2018. Còn việc lấn hay không lấn thì ủy ban đã giao cho bộ phận hành chính khảo sát để xem xét có tình trạng lấn hay không, lấn bao nhiêu để lên kế hoạch xử lý”.
Trong ngày 22.6, ông Đặng Văn Hồi cũng cho biết, sau khi có thông tin phản ánh, chính quyền phường đang phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khảo sát, kiểm tra toàn bộ khu vực hồ Đầm Trị, bởi vì khu vực hồ Đầm Trị không chỉ có đất nông nghiệp mà có cả đất ở xen kẽ.
“Tất cả các công trình xây dựng ở khu vực này đều có từ trước năm 2011. Với các công trình ở đây, chúng tôi giao cán bộ phòng ban chuyên môn kiểm tra, thấy rằng không có trong hồ sơ lưu trữ tại phường”, ông Hồi nói.
Vị này cũng thừa nhận, quy hoạch sử dụng đất ở khu vực có hàng loạt biệt thự là để trồng cây xanh và quy hoạch đất ở.
Dọc con đường bê tông này là hàng chục căn biệt thự xây trên đất nông nghiệp -Ảnh: Trí Lâm
Cũng trong sáng nay, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa xác nhận với báo Tuổi Trẻ việc thanh tra sở đã về kiểm tra tình hình trật tự xây dựng tại khu vực quanh hồ Đầm Trị.
“Đoàn đã kiểm tra sơ bộ để báo cáo nhanh với UBND TP. Hiện tại, trước mắt xác định các công trình biệt thự xây dựng trên khu vực đất đai có nguồn gốc là đất trồng cây xanh”, ông Nghĩa thông tin.
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, sau khi báo cáo nhanh với thành phố, sở cũng xin ý kiến thành phố để thanh tra chính thức về việc sử dụng đất tại khu vực này.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội mới đây, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, cần phải làm rõ chủ nhân những biệt thự đó là ai và cần điều tra cụ thể xem đằng sau đó là gì.
“Cả một quá trình dài buông lỏng quản lý, để bị phá vỡ cảnh quan, tạo ra áp lực của khu vực, một không gian đẹp như vậy nhưng không có quy hoạch tương xứng với cảnh quan. Do đó cần phải nghiêm khắc xử lý, làm rõ”.
“Phải chăng đã đến lúc chấm dứt việc “phạt cho tồn tại” vì điều này cực kỳ nguy hiểm. Luật pháp bị nhờn và bộ máy bị suy thoái”, ông Quốc nói.
Theo vị này, nếu từ đầu giám sát chặt, xử lý sai sót thì vừa đem đến lợi ích chung cho xã hội, pháp luật được tuân thủ, những người làm sai cũng hạn chế được thiệt hại vì không phải phá bỏ cả công trình.
Hoài Phong (Một thế giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.