Hà Nội sẽ xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Ảnh: Dũng Minh
Quyết định hợp lòng dân…
Theo Quyết định 4679, Hà Nội sẽ thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn 10 quận, huyện, bao gồm: Tây Hồ, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì.
Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra sẽ xem xét xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn các quận, huyện.
Với hàng trăm dự án đang triển khai trên địa bàn, việc thanh tra các dự án nhà ở tại Hà Nội hứa hẹn trở thành một trong các cuộc thanh tra liên ngành lớn nhất và kéo dài nhất trong năm. Đây là điều người dân Thành phố, nhất là người mua nhà tại các dự án có sai phạm mong chờ nhất. Thời gian qua, những sai phạm tại nhiều dự án bất động sản nếu không gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe người dân, thì cũng khiến cư dân, người mua nhà khốn đốn trong thủ tục giấy tờ, nhất là việc làm sổ đỏ.
Văn bản được ban hành hợp lòng dân trong bối cảnh thời gian gần đây xuất hiện nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị nghiêm trọng, chẳng hạn như dự án 8B Lê Trực, tòa nhà Licogi 13; tòa nhà tại tổ 50 phường Yên Hòa…
… nhưng đừng làm cho có
Số liệu của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra xây dựng các cấp thuộc TP. Hà Nội đã lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng đối với 1.592 trường hợp. Trong đó, có 559 công trình không phép, 348 công trình sai phép, sai thiết kế, quy hoạch... Đây là kết quả có được sau khi các đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã kiểm tra hơn 10.000 công trình. Như vậy, tỷ lệ công trình vi phạm trên số công trình được kiểm tra lên tới hơn 15%.
Tại Hội nghị giao ban quý I/2016 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và đại diện lãnh đạo các sở ngày 6/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải đã thẳng thắn nêu rõ, tình hình trật tự đô thị còn nhiều hạn chế, "ngày nào cũng có vấn đề". Vì vậy, ông Hoàng Trung Hải đề nghị lãnh đạo cấp quận, huyện, xã, phường nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo các lực lượng thanh tra, quản lý. "Làm sao không để tràn lan tình trạng xây xong rồi mới xử lý như hiện nay", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Các cuộc thanh tra đúng thời điểm, đúng sự vụ, luôn có ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện và công khai các sai phạm dự án bất động sản, nhưng phía sau thanh tra, điều dư luận quan tâm hơn cả là việc xử lý sai phạm đến đâu, để tăng cường niềm tin cho người mua nhà.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, hoạt động thanh tra, kiểm tra các dự án bất động sản thường xuyên diễn ra, nhưng kết luận dự án sai phạm và xử lý sai phạm của cơ quan nhà nước tại nhiều dự án lại thường theo kiểu “phạt cho tồn tại”, không đủ sức răn đe.
Thực tế, các chủ đầu tư, với bộ phận pháp chế hùng hậu, luôn “nắm đằng chuôi” mỗi khi giao kết hợp đồng mua bán bất động sản với khách hàng. Những sai phạm làm ảnh hưởng tới quyền lợi của cư dân sau này như lấn chiếm không gian chung, xây vượt tầng, thiếu tiện ích tối thiểu đã cam kết…, hầu như đều do lòng tham của một số chủ đầu tư mà ra và bài toán đã được tính đến mọi lẽ khi dự án đem chào bán. Thực tế này đòi hỏi, bên cạnh việc người mua nhà phải tỉnh táo, nắm đủ thông tin, hoạt động thanh kiểm tra các sai phạm cần “nhanh”, “mạnh”, đột xuất, để phát hiện ra những khoảng lách pháp lý mới có thể bắt trúng các vi phạm, đủ sức khiến từng chủ đầu tư nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật tại từng dự án.
“Nếu chặt tay ngay từ ban đầu, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến cho rằng, gia tăng các hình thức xử lý vi phạm theo kiểu đột ngột gây khó khăn cho hoạt động xây dựng bất động sản. Tuy nhiên, về lâu về dài nó sẽ hạn chế được những “quả bom nổ chậm” có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện dai dẳng. Điều quan trọng hơn cả là làm sao để tính nghiêm minh của Chính phủ mới, Chính phủ kiến tạo, được thể hiện một cách rõ ràng hơn”, ông Đức cho biết.
-
Cao ốc sai phép ngay mặt đường cơ quan chức năng không phát hiện ra, Bộ Xây dựng nói gì?
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3/11, Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) đề cập tình trạng người dân sửa nhà trong ngõ sâu thanh tra xây dựng nắm được, trong khi công trình cao ốc ngay mặt đường sai phép, cơ quan chức năng lại không phát hiện ra....
-
Sở Xây dựng Bình Dương cảnh báo phạt thẳng tay chủ đầu tư “tái phạm”
Sở Xây dựng Bình Dương vừa gửi văn bản cảnh báo các chủ đầu tư các dự án, công trình xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương và UBND huyện, thị xã, thành phố về việc xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng....
-
Nâng mức tiền phạt trong xây dựng, Uỷ ban MTTQ nói gì?
Chiều 25.5, bà Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩn...