Cafeland - Đó là một trong những nội dung thuộc Đề án của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP Huế vừa được phiên họp của Ủy ban Pháp luật Quốc hội thẩm tra chiều 23/4, tại thành phố Huế.

Theo Đề án, thành phố Huế hiện tại có diện tích không gian đô thị quá nhỏ (70,67km²) so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (7.222 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.

Hiện tại, vẫn còn một số phường có quy mô diện tích khá nhỏ; không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội bị phân tán.

Việc mở rộng địa giới hành chính, sắp xếp lại cơ quan quản lý hành chính là cần thiết, đáp ứng quy định của pháp luật về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị xác định mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương, bao gồm: thành phố Huế mở rộng, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và các huyện, theo mô hình thành phố trong thành phố; không hình thành các quận nội thành. Đây là định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị.

Sau khi mở rộng, sắp xếp, thành phố Huế tương lai sẽ bao gồm thành phố Huế hiện tại và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Trà, Hương Thủy và một phần huyện Phú Vang; với tổng diện tích khoảng 266,06 km2, có 36 đơn vị hành chính, gồm 29 phường và 7 xã. Như vậy, sau khi mở rộng, thành phố Huế tương lai sẽ rộng gấp 4 lần hiện tại.

Việt Phi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.