18/09/2012 1:11 PM
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến tháng 12/2011, TP.HCM có 356 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) đủ điều kiện hoạt động, chiếm trên 62% tổng số sàn giao dịch BĐS của cả nước. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thị trường địa ốc trầm lắng, nhiều sàn giao dịch BĐS đã tự nhiên... biến mất.

Nhiều sàn giao dịch... bất động

Theo quy định của Bộ Xây dựng, các chủ đầu tư đều phải có sàn giao dịch BĐS để làm nơi giới thiệu, mua bán các sản phẩm BĐS của mình. Đi đầu trong các hoạt động kinh doanh BĐS nên TP.HCM cũng là nơi có nhiều sàn giao dịch BĐS nhất nước (356/568 sàn của cả nước).

Nhiều dự án bất động sản im lìm kéo theo nhiều sàn giao dịch “biến mất”.

Tuy nhiên, sau thời gian dài địa ốc rơi vào tình trạng “đóng băng”, các giao dịch BĐS cũng tuột dốc và “bất động”. Việc những giao dịch trên thị trường BĐS trầm lắng gây khó khăn cho giới chủ đầu tư và các sàn, trung tâm giao dịch khi số lượng các dịch vụ này đang dần giảm đi sau một thời gian sôi động.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, dù số liệu thống kê chưa chính thức nhưng ở TP.HCM số sàn giao dịch BĐS tự đóng cửa, “biến mất” không dưới 100 sàn. Bên cạnh đó, mặc dù còn tồn tại nhưng cũng đã có nhiều sàn giao dịch và trung tâm môi giới nhà đất lớn nhỏ tại TP.HCM đang trong cảnh ế ẩm.

Dạo một vòng qua khu vực đường Trần Não (quận 2), các sàn giao dịch BĐS một thời sôi động, tấp nập người mua bán giờ rơi vào tình cảnh im lìm, đìu hiu. Anh Trần Văn Chúc - “cò” cho nhiều sàn giao dịch BĐS ở khu vực này, cho biết: “Cách đây vài năm, khi thị trường nhà đất nóng sốt thì nơi đây đúng là một cái chợ BĐS. Khi ấy, số lượng các sàn giao dịch và trung tâm môi giới BĐS mọc lên từng ngày, san sát nhau. Có thể nói đây là con đường có số lượng sàn giao dịch BĐS nhiều nhất ở TP.HCM”.

Vậy mà bây giờ đi qua khu chợ này, chúng tôi thấy thay vào chỗ các sàn giao dịch BĐS cũ là những cửa hàng thời trang, vật liệu xây dựng và tạp hóa. Ngoại trừ các công ty BĐS có văn phòng tại đây, số lượng các sàn còn lại trên tuyến đường này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Từ sàn thật sang sàn “ảo”

Không có tiền thuê mặt bằng hay thậm chí một số công ty BĐS đã phá sản, nhưng nhân viên (hay “cò” BĐS) vẫn tiếp tục tìm kiếm khách hàng nhằm kiếm ít hoa hồng theo cách của mình. Nguyễn Ngọc Toán là một “cò” đất đã duy trì cách tìm khách hàng qua internet và điện thoại di động. Ngày nào Toán cũng lên mạng gửi thư điện tử hoặc nhắn tin mời chào cho tất cả khách lạ hay quen. Toán tâm sự: “Dù biết cách mời chào này gây phiền cho khách hàng nhưng vì mưu sinh và đam mê với nghề môi giới nhà đất nên mình vẫn bám trụ theo cách của mình. Thị trường nhà đất dự án tại khu vực quận 2 đã bão hòa, giao dịch chuyển nhượng không nhiều. Xu hướng thị trường tập trung vào căn hộ - phân khúc cũng không dễ dàng gì trong việc tìm kiếm khách hàng trong bối cảnh hiện nay. Có khi cả tháng chẳng có khách nào mua bán nhưng mình vẫn kiên trì và không nguôi hy vọng”.

Theo chân một số “cò” nhà đất, chúng tôi còn phát hiện ra một cách môi giới “lách” sàn giao dịch BĐS khá phổ biến. Đó là cứ 2 người trên một xe gắn máy mang theo keo dán và các tờ giấy khổ A4 in sẵn sản phẩm nhà đất, số điện thoại cần giao dịch đi “rải” đều trên cột điện hay tường nhà khắp hang cùng ngõ hẻm thành phố.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, vẫn còn nhiều công ty BĐS vẫn duy trì khá tốt các hoạt động của sàn giao dịch dù sàn gần như chẳng có giao dịch nào trong suốt thời gian qua. Một giám đốc sàn giao dịch có văn phòng tại quận 1 nói rằng, số lượng các sàn tham gia vào thị trường thời gian vừa qua khá nhiều, nhưng trong số đó rất ít sàn có quy mô, bài bản và có uy tín để đủ sức trụ lại thị trường trong thời điểm hiện nay.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến tháng 12/2011, TP.HCM có 356 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) đủ điều kiện hoạt động, chiếm trên 62% tổng số sàn giao dịch BĐS của cả nước. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thị trường địa ốc trầm lắng, nhiều sàn giao dịch BĐS đã tự nhiên... biến mất.

Thực tế cho thấy, trong số các dịch vụ như giao dịch mua bán, môi giới, định giá, tư vấn, quảng cáo, đấu giá và quản lý BĐS, rất ít các sàn giao dịch BĐS cung cấp đủ các dịch vụ trên, phần lớn tập trung vào dịch vụ môi giới. Vị giám đốc xin không nêu tên này cho biết: “Tùy vào quy mô, một sàn cần trung bình khoảng 300 - 400 triệu đồng/tháng để trang trải chi phí mặt bằng và lương nhân viên kinh doanh. Với chi phí hàng tháng như vậy và với phần trăm hoa hồng được hưởng từ 2 - 3%/căn hộ, sàn giao dịch này cần có ít nhất khoảng 20 giao dịch căn hộ thành công trong một tháng. Nhưng kiếm được từ 5-10 giao dịch căn hộ thành công trong một tháng là một ước mơ cho nhiều sàn giao dịch BĐS trong tình hình hiện nay”.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, lý do khiến hiệu quả giao dịch qua sàn chưa cao là do tính chuyên nghiệp tại các sàn còn yếu. Phần lớn các sàn giao dịch do chủ đầu tư tự thành lập để bán sản phẩm của chính mình. Vì vậy tính cạnh tranh thấp, nhu cầu chia sẻ thông tin chưa cao, các sàn không xây dựng chiến lược lâu dài và chỉ mang tính chất đối phó. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn là các chủ đầu tư các dự án BĐS vẫn chưa muốn giao dịch qua sàn nên họ đã tìm mọi cách để “lách luật” nhằm mang lại lợi nhuận tối đa. Các giao dịch ngầm như thế này khiến Nhà nước thất thu thuế và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng khi mua các sản phẩm kém chất lượng.

Theo Đăng Giới (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.