26/03/2018 10:43 AM
Dù đã 6 năm kể từ ngày kê khai, thống kê mức đền bù cho dân, nhưng đến nay 53 hộ dân TĐC thủy điện Hồi Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) vẫn chưa được cấp đất để dựng nhà, cuộc sống tạm bợ khiến bà con gặp rất nhiều khó khăn.

53 hộ dân ở bản Xa Lắng, xã Thanh Xuân đang chờ đợi từng ngày để được bàn giao đất TĐC, ổn định cuộc sống.

Dân bức xúc nhưng không dám sửa nhà

Một ngày cuối tháng 3/2018, trên chiếc thuyền sắt là phương tiện duy nhất để vượt sông Mã sang bên kia sông, đến khu tái định cư (TĐC) Xa Lắng của thủy điện Hồi Xuân nơi có 53 hộ dân, với 200 nhân khẩu, trú ở bản Xa Lắng, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa đang sinh sống.

Đến bản Xa Lắng, chúng tôi nhìn thấy những ngôi nhà sàn nhỏ nằm dọc bờ sông Mã trên những sườn núi nhấp nhô cao thấp. Người dân ở đây đang phải chờ đợi từng ngày để được di chuyển đến nơi ở mới là khu TĐC ở ngay bên cạnh đó, nhưng càng chờ đợi bao nhiêu người dân lại càng thất vọng bấy nhiêu.

Để đến được với khu TĐC Xa Lắng của thủy điện Hồi Xuân phải vượt qua sông Mã bằng thuyền.

Chị Cao Thị Lân cho biết: “Nhà em đã xuống cấp nghiêm trọng lắm rồi, cái cửa, cái bếp cũng xiêu vẹo lắm rồi, nếu như gặp cơn bão thì nhà em không có nhà để ở, nếu mình sửa chữa thì người ta không cho sửa, không cho xây dựng lại. Tiền đền bù đã nhận được từ lâu rồi nhưng đến nay có nhà đã tiêu hết, có nhà tiêu cũng gần hết nhưng để đợi được mặt bằng TĐC thì chắc cũng tiêu hết thôi; còn ốm, còn đau, còn ăn, còn uống nữa thì lấy đâu cho đủ tiền”.

Khu đất mới của TĐC được người dân phản ánh quá chật hẹp để cho 53 hộ dân sinh sống.

Theo phản ánh của người dân khu TĐC mới đang được san ủi cho bằng phẳng nhưng với khu đất như vậy quá hẹp để bàn giao cho 53 hộ dân làm nhà chứ chưa nói đến đất canh tác cũng như việc làm nhà văn hóa, trường học cho các cháu nhỏ. Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng khu TĐC vẫn là khu đất trống, đến thời điểm hiện tại công tác san lấp vẫn đang được thực hiện và đơn vị thủy điện vẫn chưa hứa hẹn gì đến việc bàn giao đất cho người dân.

“Chúng tôi chỉ biết chờ và chờ, dân muốn đi làm thì không đi làm chi được, suốt ngày chờ đợi vào thủy điện này thì chết. Người ta bảo an cư mới lập nghiệp nhưng mà bây giờ cư chưa có thì lập cái chi nữa, dân rất bức xúc lắm rồi, tiến trình thi công khu TĐC của thủy điện quá chậm so với quy định” - chị Phạm Thị Dậm bức xúc.

Nhiều người dân sống lay lắt chờ đợi đất TĐC.

Còn chị Lương Thị Ly cho hay: “Khi thủy điện ngăn dòng thì các hộ dân sẽ bị ngập nước. Trước đó gia đình đã nhận được 220 triệu đồng tiền đền bù nhưng đến nay vẫn chưa thấy họ nói gì đến việc di dời đến khu TĐC mới cả”.

Ông Hà Hồng Quản - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa xác nhận vụ việc và cho biết: “Đến nay có 53 hộ dân Xa Lắng chưa được bàn giao mặt bằng TĐC, người dân ở đấy chủ yếu là người Thái, Mường; người dân TĐC là người của bản, luôn di chuyển từ nơi thấp lên nơi cao hơn.

Việc chậm trễ khu TĐC thủy điện Hồi Xuân từ năm 2012 đến nay gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân rất nhiều, rồi ảnh hưởng đến cả xã chứ không riêng gì bà con ở bản Xa Lắng. Dù đã nhận tiền đền bù năm 2012 nhưng đến bây giờ có một số hộ có nguy cơ không di chuyển được nhà đến khu TĐC mới là do tiền tiêu hết".

Nhiều nhà trên sườn núi, bị hỏng vẫn không giám sửa.

Mượn đất để làm nhà tạm

Để có đất làm khu TĐC mới, 5 hộ dân trước đây sinh sống tại khu vực TĐC đã nhường đất, nhận đền bù và di chuyển đi nơi khác sống nhờ, tưởng sẽ nhanh chóng được bàn giao mặt bằng để dựng nhà ổn định cuộc sống nhưng nhiều năm trôi qua đến nay họ vẫn phải đi ở nhờ nhà anh em, họ hàng cũng như mượn tạm mảnh đất dựng cái lều để sống qua ngày.

Gia đình anh Hà Văn Hạnh phải đi mượn đất dựng nhà tạm để ở

Anh Hà Văn Hạnh cho biết: “Tháng 4/2012 gia đình tôi dỡ nhà bàn giao đất cho chủ khu TĐC, đất đai, cây cối đã kiểm kê và có số tiền đền bù nhưng còn đất bìa đỏ gia đình tôi vẫn chưa được đền bù. Nhưng đã nhiều năm qua đi, khu TĐC vẫn chưa hoàn thiện bàn giao đất cho các hộ gia đình trong bản, số tiền đền bù họ còn nợ hơn 390 triệu đồng tiền giải phóng chưa thấy thanh toán”.

Từ khi gia đình tôi dỡ nhà nhường đất cho khu TĐC, chúng tôi phải mượn đất nhà hàng xóm dựng tạm ngôi nhà kè ở tạm với 8 khẩu quá chật hẹp, gặp rất nhiều vất vả khó khăn, không chỉ mình nhà tôi mà cả 5 hộ dân đã nhường đất cho khu TĐC cũng giống gia đình tôi mượn đất làm nhà tạm hoặc đi ở nhờ nhà anh em, họ hàng. Nhà tôi nếu mưa lớn sẽ bị dột, thì cũng phải sang nhà hàng xóm trú mưa - anh Hạnh chia sẻ.

Nhiều hộ dân đã dỡ nhà nhường đất nhưng đến nay vẫn chưa dựng lại được tại khu TĐC.

Tương tự như anh Hạnh, gia đình ông Phạm Hồng Quên cũng đã dỡ nhà nhường đất cho thủy điện Hồi Xuân san lấp mặt bằng khu TĐC. Gia đình ông cũng đã phải gửi mẹ già vào nhà người thân, còn vợ chồng và con cái trong gia đình phải dựng tạm cái lán ở lại trên mặt bằng khu TĐC mới để trông coi máy móc cho công trình san lấp mặt bằng.

Theo ông Hà Hồng Quản - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: “Người dân cứ trông mong có nơi ăn ở đàng hoàng rồi sau đó mới tìm kiếm cơ ngơi, sinh kế, làm ăn. Hiện bây giờ đã có gia đình dỡ nhà rồi nhưng nhà ở mới lại chưa có đành phải ở cùng với một số hộ khác chật chội”.

Bản Xa Lắng nhìn từ bên kia sông Mã.

“Nếu như khu TĐC thủy điện Hồi Xuân hoàn thiện bốc thăm cho người dân ở TĐC thì việc vận chuyển vật tư, vật liệu qua sông là vấn đề khó khăn nhất.

Thủy điện Hồi Xuân tác động đến đời sống kinh tế, nhất là vấn đề TĐC. Đã có nhiều hộ dân đề xuất về giá cả do việc đánh giá, thẩm định nhà cửa, chính sách TĐC... của công ty thủy điện không hợp lý. Chính vì thế, nhiều khi chúng tôi muốn họp với công ty thủy điện để tháo gỡ khó khăn nhưng họ không họp, chúng tôi đành phải đề xuất với huyện rồi mới được họp với công ty” - ông Quản nói.

Người dân bản Xa Lắng mong mỏi sớm có chỗ ở mới ổn định để làm ăn, sinh sống.

Khi PV đem những vấn đề trên trao đổi với ông Ngô Sỹ Tâm - Chánh văn phòng UBND huyện Quan Hóa, ông Tâm cho biết: “Huyện cũng đã có 2 lần làm việc với thủy điện Hồi Xuân và cũng đã mời các phòng chuyên môn chức năng cùng lãnh đạo thủy điện Hồi Xuân, các đơn vị thi công cũng đã cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công trong đó có cả tiến độ giải phóng mặt bằng của thủy điện (TĐC), họ cũng cam kết trong quý 3/2018 sẽ cơ bản giải quyết xong các vấn đề”.

Thủy điện Hồi Xuân là thủy điện nằm trên sông Mã tại xã Hồi Xuân và Thanh Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), được khởi công xây dựng vào tháng 3/2010 với mức đầu tư khoảng 3.320 tỷ đồng do công ty thủy điện Hồi Xuân-VNECO, thuộc Tổng Công ty CP xây dựng Điện Việt Nam (Bộ Công Thương) làm chủ đầu tư có công suất lắp máy 102 MW với 3 tổ máy.

Công trình thủy điện Hồi Xuân.

Đến năm 2014 dự án được chuyển giao cho Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại và Sản xuất xây dựng Đông Mê Kông với 90% cổ phần để cùng hoàn thiện dự án.

Trần Nghị (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.