Dự án hồ Núi Long là 1 trong 8 dự án có sai phạm trên địa bàn TP.Thanh Hoá. Ảnh: PV
Hàng loạt dự án được giao đất trái luật
Từ tháng 7.2014 đến tháng 10.2016, Sở KHĐT tỉnh Thanh Hoá, các đơn vị được giao làm bên mời thầu đã thực hiện quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán với chủ đầu tư để ký hợp đồng thực hiện 9 dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh này, trong đó 8 dự án trên địa bàn TP.Thanh Hoá và 1 dự án trên địa bàn huyện Triệu Sơn.
Quá trình thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư và bàn giao đất có rất nhiều điểm lạ lùng và hợp đồng dự án có nội dung tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, theo kết luận của chính ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, người trực tiếp ký nhiều quyết định liên quan, 9 dự án có điểm sai luật gồm 8 dự án ở thành phố: Dự án khu nhà ở thương mại Nam đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng; dự án khu dân cư Đông Vệ; Dự án khu dân cư An Phú Hưng, phường Đông Hương; Dự án công viên nước Đông Hương; Dự án khu đô thị Núi Long kết hợp tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng đường vành đai Đông Tây; Dự án khu dân cư xóm Bắc Sơn 2, thị trấn Nhồi thuộc lô 4 và biệt thự Khu dân cư xóm Bắc, phường An Hoạch. 1 dự án ở huyện Triệu Sơn là dự án đại đô thị Sao Mai ở xã Xuân Thịnh và xã Thọ Dân.
Tất cả 9 dự án bất động sản trên đều là những dự án “đất vàng”, đặc biệt 8 dự án ở TP.Thanh Hoá. Các dự án này đều nằm bên cạnh khu lõi của thành phố, có các tuyến đường lớn mới thi công đi qua và thực tế đã và đang được giao dịch với giá cao hơn rất nhiều lần giá được phê duyệt ban đầu và cao hơn nhiều so với giá được điều chỉnh sau này.
Căn cứ pháp lý để UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành các văn bản liên quan đến quy trình mời thầu, chấm thầu, giao đất và ký hợp đồng với chủ đầu tư thực hiện 9 dự án trên là Thông tư 03 ngày 16.4.2009 của Bộ KHĐT và Nghị định số 30 ngày 17.3.2015. Thông tư 03 quy định chỉ định thầu đối với những dự án mà trong thời gian công bố danh mục đầu tư (tối thiểu 30 ngày) chỉ có duy nhất một nhà đầu tư đăng ký tham dự. Tương tự, tại mục a, khoản 3, Điều 9 Nghị định 30 quy định được phép chỉ định nhà đầu tư khi “chỉ có một nhà đầu tư đăng ký và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển; chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển”.
Từ những căn cứ pháp lý này, hầu hết các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất để các nhà đầu tư thực hiện dự án bất động sản trên địa bàn Thanh Hoá đều thực hiện bằng hình thức “chỉ định thầu”, “chỉ định nhà đầu tư”. Dư luận rất ngạc nhiên và bất bình với việc vì sao nhiều dự án “đất vàng”, ngay khi thực hiện dự án, nhà đầu tư hốt bạc như vậy nhưng lại thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư với giá trị đất được định giá quá thấp so giá thị trường làm thất thoát ngân sách vì nó được xác định ngay từ khi có chủ trương kêu gọi đầu tư.
Trả lời băn khoăn này, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - cho hay, do trong quá trình thông báo mời thầu, mời đầu tư chỉ có một nhà đầu tư quan tâm hoặc chỉ có 1 nhà đầu tư đạt yêu cầu nên phải chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư.
Sai là do cấp dưới và... cấp trên
Theo quy định của Luật Đất đai 2013 được cụ thể hoá bằng Nghị định 45 ngày 15.5.2014 và Thông tư 76 ngày 16.6.2014 của Bộ Tài chính thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu thầu thì giá đất được xác định tại thời điểm có quyết định giao đất. Nghĩa là việc xác định giá đất nhà đầu tư phải nộp ngân sách theo Luật Đất đai 2013 là tại thời điểm giao đất (đã có mặt bằng) chứ không phải giá tại thời điểm lập chủ trương đầu tư như các dự án Thanh Hoá đã thực hiện trên. Giá đất tại thời điểm có quyết định giao đất được điều chỉnh bằng hệ số điều chỉnh giá đất theo hướng phù hợp thị trường bao giờ cũng cao hơn so với việc xác định giá theo bảng giá đất tại thời điểm lập chủ trương đầu tư.
Sau khi xác định lại giá đất của 9 dự án theo các quy định trên của Luật Đất đai 2013, Thanh Hoá đã thu bổ sung vào ngân sách hàng trăm tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư tưởng đã yên lành, dù đã triển khai kinh doanh bất động sản vẫn phải móc hầu bao nộp thêm hàng trăm tỉ dù cho rằng, sai là do chính quyền, quyết định đã ký rồi chứ sai không phải do họ. Như vậy, trong 9 dự án trên, nếu các cơ quan chức năng không kịp thời chỉ ra sai sót thì ngân sách Nhà nước đã thất thoát hàng trăm tỉ đồng. Nhiều người cho rằng, nếu các dự án trên được xác định giá đất thông qua đấu thầu thì giá trị thu về ngân sách còn nhiều hơn gấp nhiều lần so với việc “chỉ định thầu”, “chỉ định nhà đầu tư” như Thanh Hoá đã làm.
Sai sót đã được khắc phục một phần nhưng câu hỏi: “Ai phải chịu trách nhiệm trong việc để ra sai sót trên?” đến nay vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng. Trong kết luận số 245 ngày 5.12.2017, ông Nguyễn Đình Xứng đã kết luận sai là do cấp dưới tham mưu trình phê duyệt hồ sơ không đúng.
Trong cuộc họp báo gần đây, trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động về vấn đề này, ông Xứng một lần nữa cho rằng, lỗi là do tham mưu và do quy định của luật, nghị định còn nhiều bất cập và cho hay đã gửi báo cáo lên trung ương, trong đó có chỉ rõ những bất cập trong vấn đề này. Trong khi đó, hầu hết các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, cho thuê đất đều do ông Xứng ký.
Trong kết luận của mình, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị tham mưu như Sở KHĐT và các đơn vị liên quan nhưng hơn 1 năm đã trôi qua, dù Báo Lao Động đã nhiều lần đặt câu hỏi nhưng Sở KHĐT tỉnh Thanh Hoá vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.