25/11/2011 2:39 AM
Nhiều dự án đầu tư thất bại, hàng chục héc ta đất sản xuất của Nông trường Yên Mỹ trước kia (nay là Công ty TNHH Một thành viên Yên Mỹ, đóng trên địa bàn huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) để người dân địa phương tự tổ chức khai hoang, sản xuất hàng chục năm qua. Đến nay, giữa công ty và người dân địa phương đang xảy ra tranh chấp diện tích đất này.
Thanh Hóa: Đất nông trường thành đất bỏ hoang?
Một trong những hợp đồng giao khoán đất của Nông trường Yên Mỹ. Ảnh: Sông Mã

Ông Hà Duyên Thắng- Trưởng thôn Kỳ Thượng, xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) cho biết: "Khoảng thời gian sau năm 1985, sau khi tận thu cây trồng, vật nuôi, công nhân và người quản đội sản xuất Mỹ Thượng của Nông trường Yên Mỹ không còn canh tác ở thôn Kỳ Thượng. Người dân địa phương đã chủ động khai hoang, cải tạo diện tích đất này (khoảng 69ha) để trồng mía, sắn, cao su... đến tận bây giờ. Đến tháng 7- 2011 thì phía Công ty TNHH Một thành viên Yên Mỹ có thông báo yêu cầu các hộ dân tham gia ký hợp đồng giao, nhận khoán trên diện tích này theo Nghị định 135/2005 của Chính phủ.


Nguyện vọng của chúng tôi là đề nghị cơ quan chức năng cấp tỉnh xem xét việc chuyển giao đất của nông trường trước kia về chính quyền địa phương, để chính quyền địa phương cấp sổ đỏ cho người dân sau một thời gian dài khai hoang, sản xuất. Nếu không thì phải có chính sách hỗ trợ đối với người dân trên diện tích cây trồng mà họ đã khai hoang, canh tác, sử dụng nhiều năm qua..."



Trao đổi với phóng viên về vấn đề nêu trên, ông Mai Văn Nho- Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Yên Mỹ cho biết: "Đợt thiên tai năm 1986 khiến cho diện tích cây trồng, vật nuôi ở khu vực này bị thiệt hại. Lúc bấy giờ, Nông trường Yên Mỹ trước kia tiến hành tận thu cây trồng, vật nuôi. Sau đó nhiều năm, theo quy định, Nông trường Yên Mỹ giải thể, rồi sáp nhập vào Công ty chè- cà phê Thanh Hóa để trồng chè. Năm 1994, Công ty chè- cà phê Thanh Hóa giải thể, nông trường lại được chia tách khỏi công ty này để hạch toán độc lập. Năm 1995, thực hiện Nghị định 01 của Chính phủ, nông trường tiến hành ký hợp đồng giao khoán với các hộ dân tại địa phương trên diện tích này (hiện nay vẫn còn hợp đồng giao khoán- P.V).


Sau đó, Công ty cao su Thanh Hóa ra đời, đưa dự án trồng cây cao su vào làm trực tiếp với các hộ dân có diện tích đất đã ký với nông trường trước kia. Cũng từ thời điểm đó, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Công ty Cao su Thanh Hóa đã đầu tư trực tiếp cho người dân, nên nông trường không có đầu tư trên diện tích đất này, đồng thời cũng không thu bất kỳ một khoản thu nào đối với người dân cho đến tận bây giờ. Thực hiện Nghị định 135/2005, chúng tôi tiến hành kiểm kê, chuyển đổi hợp đồng giao khoán mới để hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn thì gặp phải sự phản ứng trên của người dân thôn Kỳ Thượng. Quan điểm của chúng tôi là sẽ tiếp tục trao đổi, giải thích và lắng nghe ý kiến, giải quyết những nguyện vọng của người dân trên cơ sở của pháp luật quy định, để nhanh chóng tiến hành chuyển đổi hợp đồng giao khoán theo quy định mới hiện hành của Nhà nước".



Liên quan đến vụ việc này, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Như Thanh đang tiến hành điều tra, làm rõ vấn đề nêu trên, để nhằm giải quyết những vướng mắc, tranh chấp giữa Công ty TNHH Một thành viên Yên Mỹ và người dân địa phương.

Theo Sông Mã (Tầm Nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland