CafeLand - Thái Lan đã thống trị thị trường IPO của Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện tại của năm 2020, đóng góp hơn 60% tổng số vốn huy động được trong khu vực này, theo dữ liệu của công ty kiểm toán và tư vấn Deloitte.

Thái Lan đã ghi nhận 23 thương vụ IPO từ đầu năm đến ngày 15/11 - giảm so với 34 thương vụ của cả năm 2019. Nhưng theo Deloitte, số tiền huy động được cho thời điểm hiện tại của năm 2020 lại đạt khoảng 3,94 tỷ đô la, vượt qua con số 3 tỷ đô la so với năm ngoái.

Deloitte đã nghiên cứu xu hướng IPO tại 6 thị trường chứng khoán lớn của Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Đông Nam Á có 100 công ty niêm yết mới và đã huy động được 6,44 tỷ đô la tính đến ngày 15/11. Cả số lượng đợt chào bán và số tiền huy động được đều thấp hơn năm ngoái, khi 161 thương vụ IPO huy động được 7,34 tỷ đô la.

Sự thống trị của Thái Lan ở thị trường IPO vẫn tiếp diễn ngay cả khi nền kinh tế của nước này, vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch, là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo nền kinh tế Thái Lan có thể giảm 7,1% trong năm nay - mức suy giảm tồi tệ thứ hai ở Đông Nam Á sau Philippines.

Nhưng danh sách của một số công ty niêm yết ở Thái Lan trong năm nay đã thu hút “mạnh mẽ” các nhà đầu tư và các nhà quản lý quỹ, Wilasinee Krishnamra, trưởng nhóm cố vấn giám sát các hoạt động IPO, M&A và thoái vốn tại Deloitte Thái Lan, cho biết vào tuần trước.

Krishnamra cho biết trong số các thương vụ IPO ở Thái Lan năm nay có cả công ty vận hành các bách hóa lớn nhất cả nước là Central Retail Corporation (CRC) thuộc Central Group. Bà cho biết thêm, đợt chào bán này đã được đưa ra trước đại dịch và huy động được 1,77 tỷ đô la - mức lớn nhất từ ​​trước đến nay ở Thái Lan.

Bà giải thích rằng các nhà đầu tư bị thu hút bởi “danh tiếng mạnh mẽ” và “khả năng mở rộng kinh doanh nhanh chóng” của CRC sang các thị trường nước ngoài ở Đông Nam Á và Châu Âu.

Theo dữ liệu của Deloitte, Thái Lan sẽ đánh bại Singapore trong năm thứ hai liên tiếp để chiếm vị trí hàng đầu trong thị trường IPO của Đông Nam Á.

Singapore, một trung tâm tài chính lớn, hiện chỉ có tám công ty lần đầu chào bán công khai và huy động được 852 triệu đô la trong năm nay. Con số này khá khiêm tốn nếu so với 11 thương vụ IPO đã huy động được 2,26 tỷ đô la trong suốt năm 2019 tại đây.

Nhưng năm 2020, lần đầu tiên sau nhiều năm Singapore ghi nhận một thương vụ IPO lớn mà không phải quỹ tín thức bất động sản (REIT), khi Nanofilm Technologies International niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore. Công ty này cung cấp vật liệu tấm che bảo vệ cho điện thoại thông minh và tivi. Singapore là trung tâm IPO của các quỹ REIT trên toàn cầu, và REIT đã thống trị các đợt IPO ở Singapore trong vài năm qua.

Tay Hwee Ling, trưởng ban tư vấn liên quan đến các sự kiện bất thường của Deloitte Đông Nam Á và Singapore, cho biết các nhà đầu tư có thể mong đợi nhiều công ty có trụ sở tại Singapore niêm yết trên thị trường chứng khoán - một xu hướng chưa từng thấy trong năm ngoái nhưng bắt đầu xuất hiện vào năm 2020.

“Trong điều kiện thị trường không chắc chắn, các công ty có sản phẩm, dịch vụ chất lượng và nền tảng lớn mạnh sẽ nghĩ đến việc nắm bắt cơ hội (bằng cách) huy động thêm vốn từ thị trường bên ngoài để mở rộng và phát triển”, Tay nói trong một hội thảo trực tuyến vào tuần trước.

Nhưng Thái Lan cũng có thể nhận được nhiều động lực trong hoạt động IPO vào năm tới, Krishnamra nói. Một yếu tố có thể thúc đẩy hoạt động IPO tại đây là kế hoạch nới lỏng các quy định để thu hút nhiều công ty nước ngoài niêm yết hơn. Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan cũng cho biết họ muốn ra mắt một thị trường chứng khoán mới cho các công ty khởi nghiệp, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Krishnamra cho biết khoảng 25 công ty hiện đang có kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Thái Lan, trong đó lớn nhất là PTT Oil and Retail Business. Công ty này là một nhánh phụ của tập đoàn dầu khí quốc gia PTT, điều hành các trạm xăng dầu của PTT và các cơ sở kinh doanh phi dầu mỏ, bao gồm quyền nhượng quyền thương mại đối với một số chuỗi thực phẩm và đồ uống, cũng như các cửa hàng tiện lợi.

Lam Vy (CNBC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.