Tại buổi làm việc, cán bộ huyện giải thích việc cắt 20m2/sào ruộng là theo đề án của tỉnh từ năm 2011. Các hộ góp một phần đất ruộng (do xã quy định) để làm giao thông, thủy lợi nội đồng. Nhưng người dân đặt câu hỏi số đất này đã được sử dụng thế nào?
Trước đó, Báo Tài nguyên & Môi trường đăng bài viết "Thái Bình: Nghi vấn dự án giãn dân bồi thường hỗ trợ thiếu minh bạch" phản ánh về việc người dân ở xã Đông Lâm (Tiền Hải, Thái Bình) gửi đơn khiếu nại cho rằng chính sách bồi thường hỗ trợ thu hồi đất nông nghiệp làm dự án giãn dân của chính quyền địa phương không thỏa đáng thiếu minh bạch.
Theo khiếu nại của người dân, đơn giá bồi thường thấp. Trước đó, theo thỏa thuận và thông báo tại các cuộc làm việc với dân, số tiền hỗ trợ gạo ổn định đời sống và sản xuất là 5,5 triệu đồng/khẩu. Diện tích đất bồi thường của các hộ bị bớt đi 20m2. Ngoài ra còn một số vấn đề chưa được công khai minh bạch.
Khu dự án đất ở dân cư tại xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
Ông Vũ Huy Hoàng (Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải) cho biết, giá đất bồi thường khi nhà nước thu hồi đất căn cứ theo Quyết định năm 2014 về bảng giá các loại đất và 2018 về điều chỉnh giá đất của UBND tỉnh. Theo đó, đơn giá bồi thường đất lúa là 42.000 đồng/m2.
Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo Quyết định của tỉnh, mức hỗ trợ tiền bằng 1,5 lần giá đất nông nghiệp quy định tại địa bàn các xã phường thị trấn trong bảng giá do UBND tỉnh ban hành nhưng tối đa không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định. Như vậy mức hỗ trợ là 42.000x1,5 = 63.000/m2.
Đối với việc hỗ trợ ổng định đời sống, có 2 mức. Mức 1 hỗ trợ mỗi tháng 30kg trong 6 tháng đối với hộ gia đình bị thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng. Mức 2 hỗ trợ 12 tháng nếu gia đình bị thu hồi trên 70% đất đang sử dụng.
Đơn giá gạo được áp dụng theo Công văn của huyện Tiền Hải và Báo cáo của Sở Tài chính áp dụng vào tháng 9/2018 với giá 12.000 đồng/kg. Như vậy mỗi nhân khẩu được 4,32 triệu đồng. Theo lãnh đạo UBND huyện Tiền Hải, mức áp dụng này là đúng chứ không phải 5,4 triệu đồng như ý kiến của một số hộ dân.
Về trình tự, thủ tục bồi thường, UBND huyện Tiền Hải khẳng định đã chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất và UBND các xã công khai minh bạch, đã niêm yết phương án 20 ngày tại UBND xã theo quy định.
Dự án có 41 hộ dân có đất thu hồi, đến nay đều đã nhất trí nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB và đã bàn giao mặt bằng cho dự án thi công.
Trong khi đó, giải thích về việc khi bồi thường, các gia đình bị trừ 20m2/sào so với diện tích đất ban đầu, ông Bùi Đức Thàn (Phó GĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải) cho biết, thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh năm 2011 ban hành đề án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Theo đề án này, các hộ gia đình, cá nhân góp một phần diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng (do xã quy định) để làm giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy hoạch được duyệt, phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất của hộ.
Ông Thàn cho hay, xã Đông Lâm đã thống nhất diện tích đóng góp này là 20m2/sào. Như vậy, gia đình bị thu hồi 7 sào thì phải đóng góp 140m2 là đúng quy định.
Tuy nhiên, quá trình làm việc với PV, UBND xã Đông Lâm và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tiền Hải vẫn chưa đưa ra được con số cụ thể phần đất đóng góp tổng thể là bao nhiêu và đã sử dụng bao nhiêu để làm giao thông, thủy lợi. Ông Bùi Đức Thàn và ông Trần Văn Ơn (Chủ tịch UBND xã Đông Lâm) chỉ cho rằng, địa phương trừ 20m2/sào vẫn là thấp so với các địa phương khác.
Riêng giá tiền bồi thường mà người dân cho rằng quá rẻ mạt, khi trao đổi với PV, ông Trần Văn Ơn (Chủ tịch xã Đông Lâm) cũng thừa nhận giá như vậy là thấp. Ông Ơn đánh giá, mức bồi thường đất nông nghiệp của tỉnh Thái Bình hiện nay thuộc loại thấp nhất so với các địa phương khác.
Như đã đưa tin, thời gian qua, người dân xã Đông Lâm vẫn thắc mắc về việc thu hồi ruộng ở khu vực Thanh Đông làm dự án khu dân cư có đúng hay không.
Người dân thắc mắc về quy định trừ 20m2/sào và mức giá bồi thường hỗ trợ theo nhân khẩu không đồng nhất. Khi thông báo, mỗi nhân khẩu sẽ được cộng thêm 5,4 triệu đồng. Nhưng đến khi nhận tiền thực tế, mỗi người lại chỉ được mức 4,3 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Gấm cho biết, cách bồi thường hỗ trợ phân bổ theo đầu người cũng không hợp lý. Nhà bà có 3 người bị lấy 3 sào đất thì cũng chỉ được cộng thêm 3 phần tiền theo đầu người. Nhà khác có 5 người chỉ bị thu hồi 1 sào đất, thì vẫn được cộng thêm 5 phần theo đầu người.
Bà con xã Đông Lâm cho rằng, việc cắt 20m2/sào theo quy định của tỉnh thì họ sẵn sàng chấp hành. Nhưng cần làm rõ, số đất này có tổng diện tích là bao nhiêu và có thực sự được sử dụng làm điện đường trường trạm hay không.
-
Tuyến đường ven biển hơn 4.800 tỷ ở Thái Bình được điều chỉnh như thế nào?
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 20/1/2025 điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh thái Bình.
-
Thái Bình sắp được đầu tư khu dân cư 376 tỷ đồng
Từ nay đến hết tháng 3/2025, chủ đầu tư sẽ hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng, đầu tư,... Từ tháng 4/2025 - tháng 12/2028 sẽ tiến hành phát quang, san nền mặt bằng, thi công các hạng mục công trình tại dự án....
-
Thái Bình quy hoạch thêm sân golf 18 lỗ rộng 67ha
UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 sân golf tại các xã Quỳnh Lâm và Quỳnh Hoàng, thuộc huyện Quỳnh Phụ.