Hầu hết các quy hoạch phát triển của Việt Nam đều bị phá vỡ chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện đã gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực của đất nước. Thiếu cơ sở dữ liệu khoa học, tầm nhìn ngắn hạn là nguyên nhân của thực trạng này.

Đây là thách thức lớn đặt ra trong quá trình đô thị hóa và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Thực tế thời gian qua cho thấy, chuyển đổi vai trò của khu vực Đông Nam Á đặt Việt Nam vào một vị trí chiến lược có giao thương mở và có chính sách chủ động trong hội nhập quốc tế.

Việc này đã dẫn đến việc thiết lập các ngành công nghiệp không chỉ tại 2 đô thị xếp loại đặc biệt (TP. Hà Nội và TP.HCM) mà còn tại rất nhiều đô thị khác trên lãnh thổ. Triển vọng của một công cuộc đô thị hóa hết sức năng động cũng được dự báo vì sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang công nghiệp hóa và hiện đại hóa với tỷ lệ tăng trưởng dân số đô thị cao vì luồng dân di cư ồ ạt từ nông thôn đổ về các thành phố. Các thành phố thuộc nhóm 15 đô thị có dân số lớn nhất, trong đó, TP. Hà Nội và TP.HCM sẽ cuốn hút rất nhiều dân nhập cư từ các vùng nông thôn. Vì vậy, việc đầu tư lớn cho hạ tầng mới và mở rộng lãnh thổ các thành phố là cần thiết để đáp ứng phục vụ cho tăng trưởng dân số là mở rộng diện tích khu vực xây dựng của đô thị.

Thách thức trong tương lai

Ảnh minh họa

Nhìn ra các nước khác, bài học còn hiển hiện. Người Nhật đã ào ào phát triển công nghiệp và đô thị vào những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước. Sau đó, họ đang nhận ra rằng đã tiến quá nhanh, hậu quả của quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị từ thời gian đó đến nay rất khó sửa chữa: Việc mở rộng thành phố đã thôn tính rất nhiều không gian xanh; nhiều di sản văn hóa bị mất mát.

Từ bài học của Nhật Bản, soi vào thực tiễn phát triển các đô thị ở nước ta, có thể thấy, trong tầm nhìn tổng thể nhằm hoàn thiện hệ thống đô thị của cả nước, chiến lược phát triển của Việt Nam phải giải quyết được các điểm chưa nhất quán giữa những gì của hiện tại và những gì cần làm trong tương lai. Đặc biệt là trong phát triển hạ tầng.

Nhìn lại sự phát triển của Hà Nội, sau 12 năm mở rộng, diện tích nội thành đã tăng gấp đôi, gấp ba, nhưng chủ yếu phân lô, bán nền. Các chỉ số về diện tích đất công cộng, cây xanh, đường sá, cầu cống… được quy hoạch theo kiểu tùy hứng, chỉ áp dụng trong từng dự án nhỏ lẻ. Rồi các khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên dày đặc, nhưng không có nhà ở đi kèm. Và tất đã xảy ra tình trạng dồn cục khi di chuyển từ nơi ở trong thành phố đến nơi làm việc.

Cùng với những thách thức của quá trình phát triển đô thị, hệ thống đô thị ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mới, đó là hiện tượng biến đổi khí hậu, thiên tai bão lụt hạn hán và triều cường. Theo cảnh báo của Bộ Xây dựng, khu vực dễ bị tổn thương nhất gồm vùng ven biển Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Hòa Vang, Cẩm Lệ, Hải Châu của TP. Đà Nẵng; Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Ghềnh Ráng, Hải Cảng... và một số vùng khác thuộc trung tâm thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Còn tại Cần Thơ, một số vùng sẽ bị ngập lụt và nhiễm mặn gồm Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, quận Ô Môn, quận Ninh Kiều, Cái Răng. Không chỉ có vậy, biến đổi khí hậu và nước biển dâng còn gây ra tình trạng xói lở, nhiễm mặn, ngập lụt do triều cường ở các xã, phường ven biển. Tất cả đang đòi hỏi cần một nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế cho các đô thị khu vực này.

Rõ ràng, sự chuyển đổi sử dụng đất và nguy cơ dân số tăng nhanh tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ đến mức “không chịu nổi” là khá hiển nhiên, trừ khi có một lưu tâm nghiêm túc cho sự phát triển phân tán tới các trung tâm đô thị khác.

Các thành phố ven biển cần phải xem xét lại kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở cũng như điều chỉnh quy trình quy hoạch để bảo vệ những vùng ngập lụt. Còn nếu không, rất dễ hình dung một “tương lai xám” đối với các đô thị này.

Nâng cao khả năng thích ứng và đàn hồi của các đô thị Việt Nam không hẳn là phải tái phát minh một con đường mới. Bởi nhiều chính sách có thể được rút tỉa chính từ các thảo luận về thành phố bền vững. Có điều, từ nhận thức đến hành động còn một khoảng cách khá xa. Và những xung đột về lợi ích vẫn cứ đang là nguyên do kìm hãm là lực cản để ý kiến tâm huyết của những người có chuyên môn đến đúng người có trách nhiệm.

Các thách thức của tương lai còn phức tạp hơn trong quá khứ.

Ngọc Lý (TN&MT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.